Cảnh báo lừa đảo XKLĐ tại UAE

(ANTĐ) - Theo thông báo từ Bộ LĐ-TB&XH mới đây, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam bị một số đối tượng môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) và thương mại lừa đảo tại Các Tiểu vương quốc ả-rập Thống nhất (UAE). Doanh nghiệp và người lao động cần phải xác minh rõ trước khi nộp tiền, ký hợp đồng…

Cảnh báo lừa đảo XKLĐ tại UAE

(ANTĐ) - Theo thông báo từ Bộ LĐ-TB&XH mới đây, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam bị một số đối tượng môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) và thương mại lừa đảo tại Các Tiểu vương quốc ả-rập Thống nhất (UAE). Doanh nghiệp và người lao động cần phải xác minh rõ trước khi nộp tiền, ký hợp đồng…

Các thủ đoạn của bọn lừa đảo như vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng XKLĐ nhiều triển vọng, có thu nhập cao, việc làm ổn định, lập ra các hợp đồng thương mại mang lại nhiều lợi nhuận, hợp tác lâu dài, dễ thực hiện…. Theo đó, đối tượng đề nghị phải đặt cọc tiền, nộp phí môi giới hoặc ứng trước tiền làm thị thực để tiến hành các công việc tiếp theo. Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền, những kẻ lừa đảo “cao chạy xa bay”. Bên cạnh đó, một số người đi XKLĐ sang UAE cũng đã bị chính đối tượng người Việt lừa đảo bằng các thủ đoạn này nhưng tinh vi hơn và có sự liên kết giữa các đối tượng cả trong và ngoài nước.

Mọi cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu các thông tin cần thiết, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi - Các Tiểu vương quốc ả-rập Thống nhất: Villa 101, phố 27, khu Al Mushrif, Abu Dhabi, UAE. Điện thoại: +971.2.4496710; Fax: +971.2.4497630; Hòm thư: 113038 - Abu Dhabi, UAE; Email: vnemb1@emirater.net.ae. Website: http://www.vietnamembassy-uae.org.

Chúng lập ra các hợp đồng tuyển dụng “ma”, thu tiền môi giới XKLĐ, vé máy bay, phí đào tạo… và sau đó đưa nạn nhân sang UAE bằng thị thực du lịch rồi bỏ rơi. Thực tế cho thấy, hầu hết nạn nhân đều không có đủ bằng chứng pháp lý để khiếu kiện hành vi lừa đảo như không có hợp đồng XKLĐ, hoặc nếu có thì là giao kèo viết tay, không có phiếu thu tiền, thậm chí có người chỉ biết tên người môi giới chứ không hề biết người đó làm gì, ở đâu…  

Trước sự việc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi (UAE) đã đưa ra khuyến cáo, đối với doanh nghiệp, khi liên hệ với đối tác, cần đề nghị họ cung cấp thông tin đầy đủ tên doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh hợp lệ, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, fax, hòm thư (P.O.Box) và các thông tin của người liên hệ như: họ tên đầy đủ, quốc tịch, số hộ chiếu, các số điện thoại cố định, di động… Tuyệt đối không đưa tiền đặt cọc, môi giới trước khi ký hợp đồng tuyển dụng và trước khi chủ sử dụng lao động cung cấp thị thực lao động cho phía doanh nghiệp Việt Nam.

Khi nhận được thị thực lao động kiểm tra xem thị thực đó là thật hay giả. Chỉ cho phép lao động xuất cảnh khi đã nhận được thị thực lao động (Employment Visa). Đối với thị thực du lịch (Tourist Visa) hoặc thị thực thăm thân (Visit Visa) chỉ được phép lưu lại UAE trong 30 ngày. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi (UAE) để xác minh thông tin về đối tác, hợp đồng môi giới, hợp đồng tuyển dụng trước khi ký kết giao kèo thương mại hoặc tuyển dụng lao động.

Đối với cá nhân, người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tại UAE không nên thông qua các cá nhân, môi giới, thậm chí những người thân quen thay mình làm các thủ tục đăng ký như nộp tiền, ký hợp đồng... Trong quá trình nộp tiền yêu cầu cung cấp phiếu thu tiền rõ ràng, đầy đủ số tiền nộp, nội dung nộp tiền với đầy đủ các chữ ký, con dấu cần thiết. Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi cũng cảnh báo, một số công ty XKLĐ trong nước vì lợi nhuận, muốn thu hút được lao động, đã lập ra các hợp đồng tuyển dụng với nhiều nội dung không đúng so với hợp đồng mà người lao động ký với chủ sử dụng lao động ở ngoài nước.

Điển hình như, hợp đồng ký trong nước có ghi mức lương là 800Dhs, nhưng nhiều người lại lầm tưởng là 800USD (1 USD bằng 3,675 Dirhams); mức lương cơ bản kí ở trong nước là 1.000Dhs, nhưng trong hợp đồng ký lại với chủ sử dụng chỉ ghi: 700Dhs lương cơ bản và 300Dhs tiền ăn, ở, đi lại… Do vậy, trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng lao động, thì bản hợp đồng kí ở trong nước chính là cơ sở pháp lí cần thiết để cơ quan liên quan xem xét và giải quyết.

Đặc biệt, với người đi XKLĐ, phải sử dụng thị thực lao động. Tuyệt đối không sử dụng thị thực du lịch hoặc thị thực thăm thân để sang lao động tại UAE. Cần xuất cảnh khỏi UAE trước khi thị thực hết giá trị và trong vòng 1 tuần sau khi thị thực lao động bị hủy. Hiện nay các cơ quan chức năng của UAE phạt rất nặng những người vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh, lưu trú có thể bị phạt tù, đồng thời cấm người vi phạm được tái nhập cảnh trong thời hạn ít nhất là 6 tháng tiếp theo.                            

Huệ Chi