Cảnh báo lạm phát cao trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mức lạm phát năm 2022 được dự báo cao nhất ở khoảng 4% do giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao, các gói kích thích kinh tế được triển khai…
Tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7%, dù thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu và còn chịu áp lực tăng trong bối cảnh giá cả thế giới chưa sớm hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.

Đồng quan điểm này, bà bà Bùi Thuý Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm tới khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới.

Phân tích kỹ hơn về áp lực lạm phát năm 2022, TS Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho hay, giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua;

Bên cạnh đó, thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.

“Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Từ dự báo trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, các chính sách tiền tệ phải được sử dụng đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng, hạ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi do cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, kiểm tra kiểm soát thị trường một cách hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, dù giá xăng dầu tăng, tiêu dùng tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2021 tăng 0,32% so với tháng trước, nhưng bình quân 11 tháng, CPI chỉ tăng 1,84%. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Lạm phát cơ bản tháng 11-2021 tăng 0,11% so với tháng trước (tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước), lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, lạm phát cơ bản bình quân đã tăng thấp hơn mức CPI bình quân chung, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Mức lạm phát cơ bản tháng 11 và 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Với kết quả này, chắc chắn lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 2%.