Cảnh báo hành vi bắt giữ người trái pháp luật

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, tình trạng bắt giữ người trái pháp luật trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt giữ người chủ yếu là do tranh chấp dân sự. Điều đáng nói, người vi phạm lại chính là... bị hại!

Người bị hại trở thành bị can:

Cảnh báo hành vi bắt giữ người trái pháp luật

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, tình trạng bắt giữ người trái pháp luật trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt giữ người chủ yếu là do tranh chấp dân sự. Điều đáng nói, người vi phạm lại chính là... bị hại!

Nhóm đối tượng trong một vụ bắt giữ người trái pháp luật đã bị Công an Hà Nội bắt giữ

Nhóm đối tượng trong một vụ bắt giữ người trái pháp luật đã bị Công an Hà Nội bắt giữ

Bị hại trở thành bị can

Đơn cử sự việc xảy ra ngày 17-8-2008 giữa anh Đỗ Quý Ly (SN 1983), tại xã Nguyên Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Xuyến (SN 1968), trú tại ngõ 30, phường Ngọc Thụy, Gia Lâm. Chỉ vì anh Ly nhiều lần đến mua hàng tại cửa hàng chị Xuyến (số 8 phố Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình), thuê làm đại lý kinh doanh mặt hàng băng dính. Do anh Ly nợ chị Xuyến khoảng 17 triệu đồng, chưa có khả năng chi trả, nên thỏa thuận với chị Xuyến “cắm” 2 chiếc xe máy cùng giấy tờ xe.

Song, do cần tiền kinh doanh, đầu tháng 8-2008, chị Xuyến yêu cầu anh Ly nhanh chóng hoàn trả nợ nhưng anh Ly tìm cách tránh mặt. Để đòi được khoản nợ trên, chị Xuyến đã gọi điện cho anh Ly đến cửa hàng để “nói chuyện”.

Khi anh Ly đến nơi, chị Xuyến đã cho 3 nhân viên của mình là Lưu Văn Tới (SN 1990), HKTT tại xã Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội); Hoàng Thanh Tính (SN 1978) HKTT tại Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) và Nguyễn Văn Hải (SN 1971), HKTT tại Nông Cống (Thanh Hóa) trói anh Ly lại và dùng tuýp nước, khóa xích đánh anh Ly. Theo kết luận của Bệnh viện Xanh Pôn, anh Ly đã bị dập lá mía, có nhiều vết bầm tím bên trong cổ họng.

Một vụ khác xảy ra, sáng 9-7-2008, Nguyễn Trọng Thiều (SN 1981), ở phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) đang là sinh viên, đã rủ một nhóm đối tượng tiến hành bắt cóc “con nợ” là anh Đỗ Tuấn Mạnh đưa vào một khách sạn ở phố Mai Hắc Đế, phường Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Anh Mạnh chỉ được giải cứu khi lực lượng Điều tra hình sự CAQ Hai Bà Trưng phối hợp cùng CAP Bùi Thị Xuân bí mật tiếp cận khách sạn vào chiều 10-7-2008.

Tại Công an quận Hai Bà Trưng, theo tường trình của anh Mạnh thì sáng hôm đó, khi đang ở gần nhà, anh bị Nguyễn Trọng Thiều và một đối tượng tên Đức đi xe máy tới tìm và rủ đến quán cà phê nói chuyện.

Một vài tháng trước, anh Mạnh vay Thiều số tiền 35 triệu đồng. Anh Mạnh đã trả cho Thiều được hơn 10 triệu đồng và hứa đến 11-7-2008 sẽ thanh toán nốt. Tuy trong thời gian bị bắt giữ, anh Mạnh không bị đánh đập gì nhưng không được liên lạc với bất cứ ai và buộc phải trả tiền cho Thiều đúng hẹn.

Điều 123 - Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định về tội bắt giữ người trái pháp luật.

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

c) Đối với người thi hành công vụ.

d) Phạm tội nhiều lần.

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Những cảnh báo

Luật sư Phan Thị Thanh Thủy, Trưởng Văn phòng Luật Hoàng Long (Hà Nội) nhận xét: “Đây thực sự là tình trạng báo động về sự vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo vệ. Quyền tự do đi lại cư trú của công dân, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Điều này còn thể hiện một thực tế, khi phát sinh các tranh chấp dân sự thì những người trong cuộc (thường là người bị hại) nôn nóng tìm mọi cách để thu hồi tài sản, bất chấp cả việc sử dụng những biện pháp trái luật như thuê người đòi nợ theo kiểu xã hội đen, bắt, giữ con nợ, hoặc tự ý lấy tài sản của con nợ để xiết nợ... mà không tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật như: Gặp gỡ, thương lượng với con nợ để tìm cách tháo gỡ,hoặc khởi kiện ra tòa dân sự.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức pháp luật của người dân chưa cao, thể hiện sự coi thường pháp luật từ người bị hại. Mặt khác, còn do những nguyên nhân từ phía các cơ quan pháp luật: Việc giải quyết các vụ án dân sự tại tòa án kéo dài, vướng mắc nhiều thủ tục tố tụng. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi có bản án của tòa án, người bị hại vẫn chưa thu hồi được nợ do khâu chậm trễ từ phía cơ quan thi hành án”.

Đồng tình với ý kiến trên, Luật gia Nguyễn Thị Hồng Vân đã đưa ra những cảnh báo để người bị hại không trở thành bị can. Cần nâng cao công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa luật pháp đến với người dân, để họ có thể nhận biết được những hậu quả sai trái.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy, để tránh rủi ro trước khi cho vay mượn tài sản thì người có tài sản cần kiểm tra tư cách và điều kiện tài chính của người vay xem có khả năng trả nợ không.

Nếu họ có tài sản (như nhà, quyền sử dụng đất hoặc các tài sản có giá trị khác) thì nên yêu cầu họ cầm cố, thế chấp để đảm bảo cho khoản nợ. Đương nhiên, thủ tục cầm cố thế chấp phải tuân theo quy định của pháp luật.

Quang Trường