Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

ANTD.VN - Cùng với dịch sởi, dịch sốt xuất bắt đầu quay trở lại và xu hướng tăng nhanh hơn so với mọi năm tại các tỉnh phía Nam. Sốt xuất huyết tưởng chừng là căn bệnh bình thường nhưng ở giai đoạn nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm như xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này thường hoạt động mạnh vào lúc chạng vạng tối và rạng sáng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.

Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ảnh 1 

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại TPHCM tăng 200% so với mọi năm

Ghi nhập tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chỉ tính riêng tháng 1, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 trường hợp mắc SXH điều trị nội trú.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 500 ca sốt xuất huyết. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái chỉ có khoảng 600 ca mắc. Đặc biệt, có hai trường hợp tử vong và nhiều trường hợp nặng phải thở máy, lọc máu.

Hiện mỗi ngày Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, điều trị khoảng 50-60 trường hợp mắc SXH, các giường bệnh đã chật kín.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue – giai đoạn nguy hiểm – giai đoạn hồi phục. Sau giai đoạn sốt với triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam...

Người bệnh bị mắc sốt xuất huyết thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau đó khoảng 3 đến 7 ngày; đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.

Theo Dân trí, ở giai đoạn này người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề Ȋmi mắt, gan to và có thể đau.

Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20 mmHg, huyết áp tụt hoặc không đo được; đi tiểu ít...

Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ảnh 2 

Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da được biểu hiện những nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc các mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiện nặng, nguy hiểm.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo như trên phải theo dõi sát mạch, huɹết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

Nhận biết các biến chứng nguy hiểm

Đối với các bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh, đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu.

Các triệu chứng bao gồm: Người bệnh đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã; Xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc rất ít; Tay, chân lạnh; Da đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại; Người bệnh tiểu ít hẳn hoặc không tiểu chút nào, nhưng rất khát.

Từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), nếu nhận thấy một hoặc vài triệu chứng kể trên thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Khi cắt sốt, bệnh nhân chưa hẳn đã qua cơn nguy hiểm vì bệnh có thể bất ngờ trở nặng. Các dấu hiệu bệnh trở nặng gồm: Ói mửa nhiều, đau bụng, bứt rứt, trẻ em thường quấy khóc; Tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi; Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đại tiện ra máu. Khi có các dấu hiệu này, cần ngay lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu. 

Để bảo vệ gia đình khỏi bị SXH người dân cần chủ động phòng chống SXH bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi sinh sản và phát triển cũng như không để bị muỗi đốt.