Cảnh báo dịch đau mắt đỏ đầu năm học mới

ANTD.VN - Dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng trong vài tuần trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng một tháng tới. Đây là dịch bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học.

Cho trẻ đi khám khi bị đau mắt, tuyệt đối không tự điều trị

Một người bị, cả nhà lây 

Một tuần nay, chị Lê Thu Hằng ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) – cán bộ một công ty truyền thông phải nghỉ làm vì lây đau mắt đỏ từ cậu con trai đang học mẫu giáo. Cách đây hơn 1 tuần, con trai chị bị đau mắt nhưng diễn biến nhẹ, chị nhỏ nước muối sinh lý cho con 1, 2 ngày là cháu bé khỏi bệnh và vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên chị Hằng bị lây ở thể nặng hơn và vì cũng sợ lây sang đồng nghiệp nên chị xin nghỉ làm. Đưa con đến lớp, chị được biết cô giáo cũng phải nghỉ vì đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan, nhất là trong môi trường học sinh ngủ chung như mầm non, tiểu học

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tăng cao hơn hẳn so với thời điểm trước đó. Ngày “cao điểm” có tới hàng trăm bệnh nhân bị đau mắt đỏ tới khám. Ngày bình thường, lượng bệnh nhân cũng chiếm khoảng 11-12% tổng số bệnh nhân đến khám của toàn bệnh viện.

Đa phần bệnh nhân đến khám đã bị đau mắt đỏ vài ngày trước đó, khi xuất hiện biến chứng mới tới viện để được điều trị, thậm chí có những trường hợp đã bị biến chứng nặng gây viêm giác mạc, thị lực bị mờ, đặc biệt vẫn có những trường hợp tự ý điều trị bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian như xông lá, tự ý dùng kháng sinh mạnh… gây biến chứng nguy hiểm. 

Bác sĩ Hoàng Cương, khoa Khám bệnh – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường diễn ra khi thời tiết có sự thay đổi, nhất là thời điểm giao mùa từ cuối hạ chuyển sang thu, nóng ẩm, mưa nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, số bệnh nhân đau mắt đỏ chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi học sinh học tập trung, sau đó giảm dần và hết khi có gió mùa Đông Bắc về.

Nên nghỉ học, nghỉ làm nếu đau mắt đỏ

Theo ThS.BS Trần Khánh Sâm, Phó Trưởng khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương), đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây lan trong các môi trường tập trung đông người, nhất là các trường mầm non, tiểu học. Do đó, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho con nghỉ học để điều trị dứt điểm bệnh, tránh lây sang các trẻ khác.

Bên cạnh đó, cần cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên biệt, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng hay sử dụng chung tại các lớp học để phòng chống bệnh lây lan. Với người lớn, nếu mắc bệnh cũng nên nghỉ ngơi để tránh truyền bệnh và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý đi mua các loại thuốc kháng sinh liều mạnh để tra mắt hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng vì có thể bị phản tác dụng.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân biến chứng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây, đắp mật ong hay các phương pháp khác được lan truyền trên mạng.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng. Bệnh có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh. Trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ hơn.