- Chuyên gia cảnh báo về sử dụng bóng bay sau vụ học sinh bị bỏng do bóng bay nổ tại lễ khai giảng
- Nổ bóng bay, một cổ động viên Hải Phòng nhập viện
- Nam sinh nhập viện với nhiều vết bỏng nặng do bóng bay nổ trong tiệc sinh nhật
Hiểm họa khôn lường
Mới đây, tài khoản mạng xã hội đăng tải việc chị X, ở Hà Nội gặp tai nạn bất ngờ trong ngày sinh nhật của mình. Trước đó, hôm 14-2, người phụ nữ này tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà hàng. Không gian buổi tiệc được trang trí nhiều bóng bay. Để tạo thêm điểm nhấn, chị X mua thêm một chùm bóng khác và cầm trên tay.
Khi buổi tiệc gần kết thúc, một tay chị cầm bánh sinh nhật đang được thắp nến, tay còn lại cầm chùm bóng bay. Chị đứng trên sân khấu để bạn bè chụp ảnh, quay clip làm kỷ niệm.
Trong lúc bất cẩn, chị X để chùm bóng bay tiếp xúc với ngọn nến đang cháy trên bánh sinh nhật. Bất ngờ quả bóng có kích thước lớn phát nổ, ngọn lửa bùng lên, trùm kín mặt chị X, khiến chị này bị bỏng nặng.
“Vụ việc xảy ra đã 6 ngày nhưng đến hôm nay, tôi mới đủ bình tĩnh để xem lại quá trình quả bóng phát nổ khiến mình bị bỏng. Tôi khóc suốt vì không biết khi bị bỏng ở mặt như thế thì cuộc sống, công việc sau này sẽ ra sao”, chị X chia sẻ.
![]() |
Hình ảnh trước và sau khi quả bóng bay phát nổ khiến nữ chính của buổi tiệc sinh nhật bị bỏng |
Đây không phải là lần đầu xảy cháy đối với loại bóng bơm khí Hydro. Hiện nay, thị hiếu của người sử dụng, chủ yếu là trẻ em, thích bóng bay phải lớn, bình quân khoảng 60 - 80 cm. Trong khi, các loại bình nén khí Hydro hầu hết là bình cũ, tái chế, không qua kiểm tra định kỳ của cơ quan chức năng, nên nhiều bình nén khí có kim đo áp suất sai lệch, dẫn đến bóng bay bị bơm quá căng mà người bơm không biết, nên dễ phát nổ.
Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy của CATP Hà Nội cho biết, Hydro là nguyên tố nhẹ nhất, dễ cháy và phát cháy khi mật độ chỉ còn 4%. Ngoài ra, Hydro còn có phản ứng cực mạnh với Clo và Flo, tạo thành các axit hydrohalic, có thể gây ra tổn thương cho phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Khi kết hợp với Oxy, Hydro nổ khi bắt lửa hoặc khi có đường điện đi qua. Có 2 loại khí được sử dụng để bơm vào bóng là khí trơ (bơm vào bóng không bay) và khí Hydro (bơm vào bóng bay). Nguyên nhân là do khí Hydro trong bóng sẽ rất dễ phát nổ khi tiếp xúc với Oxy và có thể gây nổ hàng loạt và bề rộng đối với các quả bóng bơm khí Hydro ở gần nhau (chùm bóng bay).
Cẩn thận khi sử dụng bóng bay
Theo phân tích của đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - CATP Hà Nội, khí Hydro trong bóng bay không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, khi bóng bay tiếp xúc với nguồn lửa (tia lửa điện, tia pháo hoa, tàn thuốc…) hay các vật sắc nền (trần nhà, sàn gỗ…) hay do ma sát từ chính những quả bóng bay cọ vào nhau dẫn đến phát nổ.
Sau khi nổ, khí Hydro sẽ kết hợp với Oxy tạo thành một hợp chất rất dễ cháy kết hợp với nguồn cháy sẽ dẫn đến nổ đồng thời tác động vào những quả bóng bay gần đó sẽ gây nổ lớn dẫn đến hỏa hoạn gây nguy hiểm. Ngoài ra, bóng bay còn gây sát thương khác như sau khi nổ, khí Hydro hấp thụ Oxy gây ra hiện tượng ngạt khí, nhất là trong phòng kín.
"Đối với trẻ em, bóng bay không chỉ là “quả bom” tiềm ẩn nguy hiểm, mà còn là nguồn nguy hại trực tiếp đối với các em nhỏ trong độ tuổi mầm non nếu phát nổ. Thường thì những quả bóng bay đều được tạo màu sắc sặc sỡ, chất tạo màu không rõ nguồn gốc nên việc cho trẻ nhỏ chơi bóng bay sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc. Cùng với đó, nếu bóng bay phát nổ đột ngột sẽ khiến trẻ thính giác của trẻ rối loạn, gây ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ" - chuyên gia Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ CATP Hà Nội chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại bóng bay bơm khí Hydro,
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo:
Khi mua và giữ các loại bóng bay, không nên cất giữ trong phòng kín, tránh xa nguồn nhiệt như hơi nóng của bóng đèn và các chất sinh nhiệt khác...
Không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì có thể gây nổ do bị nung nóng bới ánh mặt trời.
Trong trường hợp có người bị thương tích do nổ bóng bay, cần cấp cứu người bị nạn như sau:
Nhanh chóng sử dụng nước sạch làm mát vùng da bị bỏng, giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Băng vết thương sau khi bôi kem dưỡng y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, rồi đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, hoặc gọi điện thoại 115 để được hỗ trợ.