Canh bạc lớn tại Yemen

ANTĐ - Ngày 21-4, Saudi Arabia tuyên bố ngừng chiến dịch không kích Yemen với lý do đã đạt được các mục tiêu đề ra. Thế nhưng canh bạc mà Riyadh lao vào vẫn chưa kết thúc, thậm chí còn đối mặt nguy cơ thất bại.

Phiêu lưu quân sự

Cách đây gần một tháng (25-3), Saudi Arabia tuyên bố đứng đầu liên minh quân sự gồm 10 nước bắt đầu chiến dịch mang tên Firmness Storm. Ngoài chiến dịch không kích vào Yemen, Saudi Arabia còn chuẩn bị tấn công trên bộ với sự tham gia của 150.000 quân cộng với việc triển khai nhiều đơn vị pháo binh hạng nặng và các thiết bị quân sự khác ở dọc biên giới với Yemen. Saudi Arabia tuyên bố mục tiêu phát động Firmness Storm là nhằm bảo vệ Chính phủ hợp pháp của Tổng thống Yemen Mansour Hadi chống lại phiến quân Houthi theo Hồi giáo dòng Shiite. Ngoại trưởng Saudi Arabia là Hoàng tử Saud al-Faisal cũng biện minh rằng an ninh của Yemen là một phần quan trọng không thể tách rời đối với an ninh của nước ông cũng như của toàn bộ thế giới Arập. 

Canh bạc lớn tại Yemen ảnh 1

Lo ngại về an ninh là điều có thể thông cảm bởi Saudi Arabia và Yemen có chung đường biên giới dài khoảng 1.800 km. Những bất ổn chính trị, xung đột giáo phái ở Yemen có thể tác động tiêu cực tới tình hình an ninh của quốc gia láng giềng phía Bắc này. Nhưng dù lý do là gì thì việc đơn phương sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng là điều khó có thể chấp nhận. Trên thực tế, chiến dịch không kích vào Yemen chỉ là sự tiếp nối những hành động can thiệp “nhỏ” trước đây của Saudi Arabia. Trong những năm qua, Saudi Arabia - vốn nhận được sự ủng hộ quân sự của Mỹ - đã đưa quân vào các nước láng giềng để trấn áp các cuộc nổi dậy của những người Hồi giáo theo dòng Shiite.

Canh bạc lớn tại Yemen ảnh 2

Người dân tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát tại Thủ đô Sanaa sau đợt không kích đầu tiên của Saudi Arabia 

 Chính tại Yemen, hồi cuối năm 2009, quân đội Saudi Arabia từng phối hợp với quân Chính phủ của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Houthi. Tháng 3-2011, Saudi Arabia cũng đã gửi quân tới Bahrain để trấn áp các cuộc biểu tình của người Shiite chiếm đa số ở nước này. Các cuộc biểu tình khi đó là nhằm chống lại Nhà vua Bahrain theo dòng Sunni được Saudi Arabia ủng hộ. Với tư cách là nước lớn trong khu vực, lại được Mỹ bật đèn xanh, Riyadh đã không ngại ngần tiến xa hơn khi thực hiện cuộc phiêu lưu quân sự ở Yemen.

Tiêu chuẩn kép

Có rất nhiều nguyên nhân và lý lẽ đã được chỉ ra để giải thích cho hành động can thiệp quân sự vào Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu. Đó có thể là thái độ “bất mãn” của Riyadh khi Mỹ tỏ ra thờ ơ đối với các lo ngại của Saudi Arabia và việc Washington dường như đang có ý định chìa tay về phía Iran, đối thủ “không đội trời chung” của Saudi Arabia. Đó cũng có thể là sự cạnh tranh địa chính trị giữa Saudi Arabia và Iran… Về mặt công khai, Saudi Arabia mượn cớ đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Yemen Hadi, bảo vệ một chính phủ dân bầu, bảo đảm an ninh khu vực. Nhưng giới phân tích cũng đã chỉ ra rằng Saudi Arabia rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi một số nước khác lại áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn 

đề này.

Yemen là một quốc gia có chủ quyền. Lực lượng Houthi dù bị coi là phiến quân tại Yemen nhưng không tấn công người dân và lãnh thổ của Saudi Arabia. Chính vì vậy, việc Saudi Arabia cùng 9 quốc gia khác đơn phương tấn công quân sự vào Yemen mà không được sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc không thể coi là hành động phòng thủ tập thể. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, mà trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc vốn cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia. Giới phân tích đánh giá đây là hành động can thiệp vào một cuộc nội chiến và đứng về một phía trong cuộc chiến. Điều này càng làm cho cuộc chiến trở nên tồi tệ hơn và khó có thể được giải quyết.

Bên cạnh đó, việc Mỹ và một số nước phương Tây ủng hộ chiến dịch không kích Yemen chính là áp dụng tiêu chuẩn kép trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt khi người ta đem so sánh với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hồi tháng 2-2014, ngay sau khi rời khỏi Kiev, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bị Mỹ và phương Tây coi là đánh mất tính hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Yemen Hadi dù sống lưu vong tại Saudi Arabia vẫn được phương Tây ủng hộ “nhiệt thành”. Tương tự, các cuộc biểu tình bạo lực đường phố ở Kiev, thậm chí có cả các lực lượng phát xít mới tham gia, thì được phương Tây tài trợ, kích động, dán mác là phong trào thể hiện ý chí của người dân. Trong khi đó, phong trào của người Houthi tại Yemen thì bị lên án là “con rối” của nước ngoài. Không chỉ vậy, Mỹ và các nước phương Tây còn làm ngơ trước một thực tế đau lòng là các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu đã sát hại hàng trăm dân thường Yemen, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. 

Thất bại

Sau 4 tuần không kích Yemen, Saudi Arabia tuyên bố đã đạt được mục tiêu đề ra đó là chặn bước tiến của lực lượng Houthi, phá hủy các sân bay, các kho vũ khí của lực lượng này. Tướng quân đội Saudi Arabia Ahmed al-Assiri tự tin khẳng định đã phá hủy các khả năng của lực lượng Houthi và khiến cho lực lượng này không còn là mối đe dọa. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc không kích chỉ dừng lại ở việc phá hủy được một vài kho tàng, trung tâm chỉ huy, một số bệ phóng tên lửa Scud cùng một số hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu lạc hậu. Kết quả này không thể ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Houthi. Trong số gần 1.000 người thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương trong các vụ không kích và xung đột tại Yemen trong vòng gần một tháng qua, chỉ có một số rất nhỏ là các tay súng Houthi. Trên thực địa, lực lượng Houthi vốn kiểm soát Thủ đô Sanaa từ tháng 9-2014, hiện đã mở rộng kiểm soát tất cả các thành phố lớn trên cả nước, trong đó có hai cảng biển quan trọng nhất là Aden và Hodeidah.

Không những vậy, tổ chức khủng bố al-Qaeda, vốn bị Mỹ nhọc công ra sức tiêu diệt trong gần một thập kỷ qua, đã lợi dụng sự hỗn loạn tại Yemen để trỗi dậy. Hiện các lực lượng cực đoan đã chiếm được thành phố cảng Al Mukalla ở phía Nam, phóng thích tất cả những kẻ khủng bố khỏi các nhà tù địa phương, trong số đó có những tên khủng bố được Mỹ cho là nguy hiểm nhất khu vực và tuyên bố thành phố này là Thủ đô của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại Saudi Arabia”.

Tình hình tại Saudi Arabia cũng ngày càng tồi tệ hơn. Các bộ lạc địa phương phản đối chiến dịch can thiệp vào Yemen, trong khi những người Shiite chống đối đã nổi dậy tấn công các đơn vị cảnh sát tại miền Đông gây thương vong nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng nổ ra các cuộc biểu tình lớn của người Shiite tại Saudi Arabia nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Houthi. 

Chiến dịch không kích không những không thể đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia như họ tuyên bố mà còn có thể gây bùng phát bất ổn, trước tiên là tại khu vực biên giới với Yemen, địa bàn sinh sống của bộ tộc người Yemen từng nổi dậy chống Riyadh trước đây. Ngay trước khi liên quân tuyên bố ngừng không kích Yemen, Mỹ đã điều thêm tàu sân bay đến khu vực. Báo chí phương Tây thì cho rằng Washington muốn tăng cường hải quân để ngăn chặn Iran chuyển vũ khí cho Houthi, nhưng nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ lại khẳng định động thái này là nhằm kiềm chế Saudi Arabia. Phải chăng đã có ai đó đã nhận ra sai lầm và hiểu rằng chỉ có đối thoại chính trị rộng rãi do chính người dân Yemen tiến hành mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.