"Canh bạc" của Nga - Mỹ trong tranh giành lợi ích tại Trung Á

ANTD.VN - Quan hệ Nga - Mỹ đang ở vào giai đoạn tồi tệ nhất, những lời chỉ trích của những người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước về căng thẳng Mỹ-Iran khiến dư luận có cảm giác rằng danh mục những điểm bất đồng và mâu thuẫn giữa hai cường quốc thế giới này đang tiếp tục được kéo dài...

Từ Trung Đông đến Trung Á

Năm 2017-2018 thế giới được chứng kiến cuộc "so găng" quyết liệt giữa Nga và Mỹ tại chiến trường Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, với một chút lợi thế tạm thời nghiêng về xứ sở Bạch Dương.

Trên thực địa, quân đội Nga khẳng định Chính quyền của Tổng thống Basar Al Assad đã đánh đuổi khủng bố ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Syria, với sự giúp đỡ của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhanh chóng chúc mừng tuyên bố của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi về việc kết thúc thành công cuộc chiến kéo dài 3 năm nhằm đánh đuổi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi lãnh thổ nước này, với sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ. Tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Không chỉ cạnh tranh ảnh hưởng tại Syria và Iraq, hai cường quốc Nga và Mỹ còn theo đuổi những mục tiêu và quan điểm khác biệt trong giải pháp đối với xung đột Israel - Palestin, trong việc phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập,  hay trong cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh gần đây khi Mỹ liên tiếp đe dọa tấn công Iran thì Nga có thái độ bảo vệ mạnh mẽ "đồng minh thân cận" Iran tại Trung Đông.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev nói với giới báo chí sau cuộc họp với Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat hôm 25-6 tại Jerusalem: "Iran đã và sẽ mãi là đồng minh, đối tác của chúng tôi... Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng, không thể mô tả Tehran là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và đặt nước này ngang hàng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay bất kỳ tổ chức khủng bố nào khác".

Trước đó, Nga cũng có thái độ hết sức tiêu cực đối với làn sóng "mùa xuân Arap" vốn được Mỹ nhiệt tình ủng hộ. Những ví dụ trên cho thấy cạnh tranh lợi ích và ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ tại khu vực Trung Đông là điều quá rõ ràng, không phải bàn cãi.

Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp đầu năm 2018. (Nguồn: Nikkei)

Song những khác biệt về mục tiêu và lợi ích giữa hai nước không chỉ dừng lại ở Trung Đông, mà đã lan sang cả không gian hậu Xô viết, cụ thể là khu vực Trung Á.

Với tiềm lực vượt trội, Mỹ không muốn để Nga có được "vùng đệm an toàn" và khống chế toàn bộ khu vực có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị này. Ngay từ năm 2005, các học giả Mỹ đã nêu ra ý tưởng xây dựng Diễn đàn Đối tác hợp tác và phát triển Đại Trung Á, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án năng lượng giữa các nước Trung và Nam Á, không có sự tham gia của Nga nhưng có sự hỗ trợ của các định chế tài chính phương Tây.

Các dự án tiến triển chậm chạp do thiếu vốn và tình hình bất ổn tại Afghanistan. Thời gian gần đây, ý tưởng "Đại Trung Á" lại được nêu ra ở một số diễn đàn và đã được phóng viên đặt ra trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Nga. Có thể hiểu Ngoại trưởng Lavrov không hài lòng với hành động cạnh tranh "không lành mạnh" mà Mỹ muốn triển khai tại Trung Á.

Cạnh tranh lành mạnh: tất cả đều thắng

Toàn cầu hoá, liên kết khu vực và tự do hoá thương mại là xu hướng chủ đạo, khó có thể đảo ngược trong giai đoạn hiện nay. Việc Nga, Mỹ hay một quốc gia nào đó thúc đẩy các tiến trình liên kết, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có các nước Trung Á, là điều hoàn toàn bình thường.

Mỹ không phải là nước duy nhất phát triển công thức "5+1" với các nước Trung Á. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì cả Liên minh châu Âu (EU), cả Trung Quốc, thậm chí cả Iran cũng đang duy trì quan hệ với các nước Trung Á theo công thức tương tự. Nga không phản đối các nước láng giềng, các đồng minh Trung Á của mình thiết lập tối đa quan hệ với các đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, việc Mỹ muốn lôi kéo các nước khu vực vào các dự án liên kết tại Trung Á mà không có sự tham gia của Nga có thể khiến các nước khu vực rơi vào thế kẹt chiến lược, buộc các nước này phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn (vừa giữ cân bằng với Nga để đảm bảo an ninh, vừa thúc đẩy thương mại với Mỹ/EU để cải thiện nền kinh tế.

Kế hoạch "Đại Trung Á" của Mỹ cũng có thể gây phức tạp cho việc thực hiện các cam kết của các nước khu vực, với tư cách là thành viên các tổ chức liên kết như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Khi chủ trương triển khai ý tưởng "Đại Trung Á", Mỹ không chỉ muốn tăng cường quan hệ với các nước khu vực này, qua đó giúp ổn định tình hình Afghanistan, mà Mỹ còn có ý định cạnh tranh ảnh hưởng với Nga tại Trung Á, thúc đẩy xu hướng ly tâm khỏi Nga.

Trong khi đó, các dự án hội nhập khu vực do Nga khởi xưởng hoặc dẫn dắt như SCO, EAEU hầu hết đều mang tính "mở". Hiện Tổng thống Nga V. Putin cũng đang thúc đẩy sáng kiến "Đại Á-Âu" với sự kết nối giữa SCO, EAEU và ASEAN, thậm chí còn có thể mở rộng không gian hợp tác ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những dự án này vừa giúp Nga thúc đẩy quá trình liên kết và hội nhập khu vực, vừa tạo cơ hội cho các nước khác tăng cường hợp tác với nhau, tạo thuận lợi cho tự do thương mại. Trong tương lai không xa, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các hiệp định FTA tương tự như hiệp định giữa EAEU và Việt Nam (ký kết vào năm 2016). Và khi đó, sẽ có nhiều hơn các nước được hưởng lợi, trên tinh thần "tất cả cùng thắng".