Căng thẳng vùng Vịnh lại khiến chiến tranh cận kề

ANTD.VN - Căng thẳng giữa Qatar và các nước Ả-rập vẫn tiếp tục tăng nhiệt, đến mức Ngoại trưởng Đức S. Gabriel phải lên tiếng cảnh báo rằng, mâu thuẫn trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh.

Loại xe tăng Leopard mà Qatar đang sở hữu

Trả lời báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Ngoại trưởng Đức S. Gabriel cho biết sau các cuộc đối thoại với những người đồng cấp từ Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iran và Kuwait, ông cảm thấy tình hình ngày càng đáng ngại. Dự báo về triển vọng tình hình, ông S. Gabriel nhấn mạnh: “Điều nguy hiểm là những xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh”.

Mối lo lắng của ông S. Gabriel không phải không có cơ sở. Hôm 9-6 vừa qua, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã cùng ra thông báo chung, công bố các cá nhân và tổ chức được cho là trung gian giữa Qatar với các nhóm khủng bố, đồng thời cho biết sẽ không nương tay trong việc truy lùng những cá nhân và tổ chức này. Các nước trên cũng công khai chỉ trích Qatar theo đuổi các chính sách hai mặt, “vẫn tuyên bố chống chủ nghĩa khủng bố, trong khi vẫn hỗ trợ tài chính và dung dưỡng nhiều tổ chức khủng bố khác nhau”.

Quá khứ cho thấy khi những kẻ khủng bố phải đón nhận sự trừng phạt bằng vũ lực thì những quốc gia chứa chấp hay bị nghi ngờ chứa chấp, hoặc tạo điều kiện cho khủng bố bám rễ, luôn là những nơi đầu tiên hứng chịu sự tàn khốc của bom đạn. Chủ quyền của những quốc gia bị nghi ngờ “đồng phạm” lúc đó không còn được tôn trọng, thậm chí bị tước bỏ. Trong bối cảnh đó, bị cáo buộc tiếp tay cho khủng bố đồng nghĩa với việc Qatar bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công dưới cái cớ “chống khủng bố”, “tiêu diệt khủng bố”.

Trên thực địa, tình hình còn căng thẳng hơn. Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân cận của Qatar đã quyết định tăng số quân nước này bố trí tại căn cứ Al-Rayyan ở Qatar lên 4 lần so với trước. Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar được thiết lập như một phần thỏa thuận ký  kết năm 2014, cho phép đồn trú 5.000 quân và hiện đã có 200 lính Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi cho phép tăng binh lính để hỗ trợ Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã chỉ trích các nước Ả-rập cắt quan hệ với Qatar, đồng thời khẳng định sẵn sàng viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho Doha.

Một đồng minh thân cận khác của Qatar là Iran cũng không chịu khoanh tay khi người anh em của mình bị “bắt nạt”. Nguồn tin từ Ai Cập cho biết, cũng giống như lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã đến Qatar dưới vỏ bọc là tham gia huấn luyện, nhưng thực chất đây là các nhóm đặc nhiệm Iran làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu và nguyên thủ của Qatar. 

Về phía Qatar, nước này đã đưa 16 chiếc xe tăng Leopard ra khỏi kho chứa ở Thủ đô Doha để sẵn sàng tham chiến. Bộ Quốc phòng Qatar thì gửi thông điệp cho chính phủ các nước cắt quan hệ ngoại giao với nước mình và cảnh báo sẽ bắn chìm bất kỳ tàu hải quân của các nước nào xâm nhập vùng biển của họ. Đáp lại việc Saudi Arabia phong tỏa biên giới với mình, Qatar đã đặt toàn bộ lực lượng vũ trang vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 

Điều đã rõ ràng là Qatar không hề nhân nhượng bởi vững tin vào sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nếu 2 bên không tìm được sự thỏa hiệp mà tiếp tục có các hành động thù địch nhằm vào nhau, nguy cơ xung đột quân sự giữa liên minh Qatar-Iran-Thổ với liên minh Ả-rập do Ảrập Xêút lãnh đạo là hoàn toàn có thể xảy ra, biến Vùng Vịnh một lần nữa trở thành “chảo lửa”.