Căng thẳng trước đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

ANTD.VN - Cuộc đàm phán quan trọng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối tháng này tại Philippines đã bị phủ không khí u ám bởi những hành vi gây căng thẳng liên tiếp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này.

Căng thẳng trước đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ảnh 1Một công dân Philippines cắm cờ Philippines trên khu vực thuộc bãi cạn Scarborough trước tàu Hải cảnh của Trung Quốc

Đại diện cấp cao của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại đảo Boracay, Philippines. Giới quan sát đánh giá, đây là một sự kiện quan trọng bởi không chỉ lần đầu tiên Philippines - một trong những bên tham gia tranh chấp trực tiếp - chủ trì thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN mà còn vì cả ASEAN và Trung Quốc đều đã tuyên bố mong muốn hoàn tất COC vào giữa năm 2017 này.

Tiến trình đàm phán COC được khởi động khá sớm, từ năm 2010 trong bối cảnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tỏ ra không hiệu quả trong việc ngăn căng thẳng leo thang do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (còn gọi là 5 nước 6 bên). DOC sau khi ra đời năm 2002 có giúp giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông, nhưng điều đó không kéo dài khi Trung Quốc liên tiếp có những việc làm khiến vùng biển chiến lược này dậy sóng.

Cho rằng DOC chỉ là một cam kết không mang tính ràng buộc pháp lý nên không hiệu quả trong việc phòng ngừa các hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông, ASEAN đã nỗ lực xây dựng COC với những ràng buộc pháp lý đối với các bên tham gia. Sau hơn 6 năm kể từ khi bắt đầu năm 2010, tiến trình đàm phán COC hiện đã đi tới giai đoạn hoàn tất.

Trong cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Trung Quốc tháng 8-2016, hai bên đã nhất trí vào giữa năm 2017 sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ khung cho COC.  Mới đây nhất, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 11-1 vừa qua cho biết, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên này của ASEAN hy vọng COC sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2017.

Trong bối cảnh đó, vòng đàm phán kế hoạch diễn ra cuối tháng 2 này tại đảo Boracay của Philippines giữa các nước ASEAN và Trung Quốc được xem là rất quan trọng nhằm đảm bảo cho COC ra đời vào giữa năm nay. Tuy nhiên, trước thềm cuộc đàm phán này lại xuất hiện những động thái gây căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc khiến dư luận hết sức lo ngại.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7-2 đã cảnh báo Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ xây dựng tiền đồn quân sự trên bãi cạn tranh chấp Scarborough. Việc làm này của Trung Quốc sẽ khiến cho việc hoàn tất COC rất khó có thể hoàn tất như kỳ vọng vào giữa năm 2017.

Trước đó chỉ một ngày, ngày 6-2, Trung Quốc cũng có việc làm phi pháp khác trên Biển Đông là việc khai trương chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BOC) tại cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chính vì thế, dù là chủ nhà đứng ra tổ chức cuộc đàm phán về COC sắp tới song, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính sách của Philippines Enrique Manalo ngày 7-2 cũng đã thận trọng nhận định rằng việc đạt được đồng thuận với Trung Quốc về COC vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình tranh chấp trên Biển Đông chưa thực sự chuyển biến.