- Việt Nam xuất khẩu hơn 16 tỷ USD hàng dệt may sang Mỹ
- Xuất nhập khẩu đạt hơn 63 tỷ USD trong tháng đầu năm
![]() |
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ |
Hàng loạt thay đổi về chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm căng thẳng thêm thương mại toàn cầu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, các chính sách này đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, bối cảnh mới của thương mại toàn cầu có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu áp lực kiểm soát chặt chẽ hơn. Kéo theo đó là làm tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc tuân thủ quy tắc lao động và môi trường cũng có thể được thắt chặt hơn.
Nhìn ở góc độ tích cực, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, đòi hỏi khắt khe của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
“Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào các ngành hàng có giá trị gia tăng cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại và duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Theo vị luật sư này, doanh nghiệp Việt Nam phải luôn chuẩn bị ứng phó với những diễn biến mới của thương mại toàn cầu, đặc biệt khi nền kinh tế hội nhập sâu và thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. Để thích ứng, cần giải pháp dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên, dù chọn giải pháp nào, theo ông Nguyễn Thanh Hà là doanh nghiệp cũng cần linh hoạt.
Nêu quan điểm về tác động của xung đột thương mại Mỹ- Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Chẳng hạn như hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam để né thuế.
Hệ lụy của hành động này là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Hàng hóa Việt Nam đã từng gặp trường hợp này.
Với các thị trường xuất khẩu khác, hàng hóa Việt Nam vẫn xuất nhập khẩu bình thường, đặc biệt với các thị trường có FTA, hàng hóa Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi theo cam kết thuế quan giữa các bên.
Ở góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu mặt hàng cá ngừ sang Mỹ.
Theo VASEP, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Mỹ và kim ngạch ngày càng gia tăng. Năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục.
Tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 3 sau Thái Lan và Mexico. Trong năm qua, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Mexico, tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp dành cho phân khúc dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, dịch vụ ăn uống...), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Mỹ.
Còn tại phân khúc thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS030487 của Mỹ, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 2 sau Indonesia và trước Thái Lan. Nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Mỹ từ Thái Lan đang giảm, trái lại nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia đều tăng.
Dẫn lời từ phân tích của ông Phạm Quang Vinh- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, VASEP cho hay: “Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là một vấn đề tương hỗ khách quan trong thương mại giữa các nền kinh tế.
Nếu Mỹ hạn chế Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường cá ngừ Mỹ”.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt với chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”.
Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.