Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có leo thang thành cuộc chiến?

ANTD.VN - Sau những đòn “ăn miếng, trả miếng” đầu tiên được xem là dấu hiệu khởi nguồn cho cuộc chiến thương mại, căng thẳng Trung - Mỹ tiếp tục leo thang khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp biểu thuế mới. 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có leo thang thành cuộc chiến? ảnh 1Trung Quốc từng tránh áp thuế lên xe hơi Mỹ vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động nước này

Theo thông báo mới nhất, danh sách những sản phẩm của Trung Quốc dự kiến bị áp thuế gồm hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, robot, máy móc. Danh sách dự kiến ước tính 1.300 sản phẩm riêng lẻ và phải trải qua đợt đánh giá bổ sung dưới hình thức lấy ý kiến của dư luận Mỹ, gồm cả điều trần tại Quốc hội Mỹ. Sau khi hoàn thành tiến trình này, USTR sẽ đưa ra bản danh sách cuối cùng về những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế bổ sung. 

Ngay tức thì, Trung Quốc cũng công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn, trong đó có đậu tương, xe ô tô và hóa phẩm.  Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thời điểm mức thuế suất mới này có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào thời điểm Mỹ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong số các mặt hàng bị tăng thuế còn có một số loại máy bay và nhiều nông sản.       

Trước đó, Bắc Kinh đã quyết định ngừng ưu đãi thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, thay vào đó áp mức thuế 15 - 25% đối với những mặt hàng này, chủ yếu là thịt lợn đông lạnh và trái cây với tổng giá trị là 3 tỷ USD. Đây được xem là hành động “phản đòn” của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với các mặt hàng thép và nhôm, đồng thời áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc khi cáo buộc Bắc Kinh “đánh cắp” quyền sở hữu trí tuệ. 

Vấn đề đang được các chuyên gia đánh giá hiện nay là, liệu những căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 của thế giới có thể leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện, khi hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến cục diện thương mại hai nước, mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế và thương mại toàn cầu?  

Về phía Washington, Tổng thống Donald Trump căn cứ vào mức nhập siêu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc lên tới 375 tỷ USD trong năm vừa qua và cho rằng trong 15 năm liên tiếp, các Tổng thống tiền nhiệm đã không thu hẹp được khoảng cách trong cán cân thương mại với Bắc Kinh. Do đó, bây giờ đến lúc ông phải cứng rắn. Tổng thống Donald Trump tin rằng dùng đòn trừng phạt sẽ buộc các nước khác sẽ phải đưa ra nhượng bộ của mình để duy trì sự tiếp cận thị trường vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này đã đúng với Hàn Quốc khi Seoul buộc phải có những nhượng bộ lớn trong quá trình thương lượng Thỏa thuận Thương mại tự do Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, Trung Quốc là một đối thủ không dễ vượt qua. 

Sau “đòn phản pháo” đầu tiên, Bắc Kinh đang tiếp tục đưa ra những chính sách cứng rắn hơn. Trong quyết định mới nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế đến mặt hàng đậu nành. Năm 2017, Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ 1/3 sản phẩm của các nông dân Mỹ với doanh thu lên tới 14 tỷ USD. Do đó, quyết định này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ, trong đó có một bộ phận không nhỏ cử tri từng quyết định lá phiếu của Tổng thống Donald Trump. 

Mặt hàng chủ lực tiếp theo khá quan trọng là ô tô. Số lượng xe hơi General Motors bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với ở Mỹ. Trung Quốc từng tránh áp thuế lên xe hơi hay những sản phẩm công nghệ của Mỹ rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Hiện Trung Quốc đem về 20% doanh thu cho hãng Apple, là khách hàng lớn nhất của hãng chuyên về công nghệ điện thoại di động Qualcomm (65% doanh thu); 45% máy tính Texas Instrument bán ra là để phục vụ các khách hàng Trung Quốc. 

Tuy nhiên, điều khiến chính quyền Washington khá “tự tin” là tất cả những sản phẩm nói trên đều được lắp ráp ngay trên đất Trung Quốc để phục vụ người dân Trung Quốc. Vì vậy, “phạt” những tập đoàn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn xảy ra, dù quan chức nước này từng tuyên bố “Nếu Mỹ khởi động một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng mọi biện pháp cần thiết”. Trung Quốc hiểu rằng việc rơi vào vòng xoáy đối đầu thương mại với Mỹ sẽ không có bên nào được lợi. Đó là lý do tại sao trong thời gian qua, Bắc Kinh vẫn kêu gọi Washington giải quyết bất đồng về thương mại và thuế quan thông qua đối thoại và đàm phán.