Căng thẳng Nga-Ukraine: Mỹ kiếm lợi trên nước mắt người châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-Ukraine và vấn đề Nord Stream 2 khiến Nga và châu Âu thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực năng lượng, trong khi Mỹ là kẻ thủ lợi chính.

Liên quan đến vấn đề này, giới truyền thông Đức đã tiết lộ những lợi ích mà Mỹ thu được từ “cuộc chiến” của Nga với Ukraine, có liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, khiến giá khí đốt ở “Lục địa già” leo thang chóng mặt kể từ mùa thu năm ngoái đến nay.

Theo tờ Der Spiegel, việc lan truyền những tin đồn vô căn cứ về “cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine” trên các phương tiện truyền thông phương Tây là một cách để ép buộc châu Âu bỏ khí đốt đường ống của Nga, mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Tác giả bài báo là ông Ines Zettl lưu ý rằng, trong bối cảnh sự cuồng tín chống Nga trên các phương tiện truyền thông Mỹ và châu Âu, ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch ở Mỹ đang hết sức vui mừng, vì viễn cảnh về một cuộc chiến sắp xảy ra giữa Moscow và Kiev làm các nước EU sợ hãi và đình chỉ khởi động dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nosd Stream 2).

Điều này đã giúp ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến và xuất khẩu LNG Mỹ có cơ hội vượt qua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp về nguồn cung cấp khí hóa lỏng cho châu Âu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU đã khiến giá khí đốt châu Âu tăng lên hơn 1000USD/1000m3.

Căng thẳng Nga-Ukraine và việc ngăn chặn dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) nằm trong toan tính của Mỹ nhằm chiếm thị phần khí đốt châu Âu của Nga?
Căng thẳng Nga-Ukraine và việc ngăn chặn dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) nằm trong toan tính của Mỹ nhằm chiếm thị phần khí đốt châu Âu của Nga?

Theop tác giả bài báo, nền chính trị Mỹ là “tù nhân của năng lượng”, thực tế đã cho thấy Mỹ là nước xuất khẩu năng lượng được hưởng lợi chính từ những căng thẳng giả tạo trên biên giới Nga-Ukraine. Vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã vượt qua Qatar và Australia để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Rystad ước tính lượng hàng đến châu Âu từ cuối tháng 11 đến tháng 12 năm 2021 đã tăng 75% so với tháng 11. Kết quả này đã khiến châu Âu trở thành khách mua lớn nhất LNG – loại hàng hóa mà chính quyền Donald Trump vào thời điểm đó gọi là “các phân tử của tự do Mỹ”.

Chuyên gia Ines Zettl nhắc lại, ngay cả trước chiến thắng bầu cử của Joe Biden, các chuyên gia Đức vẫn rất lạnh nhạt về LNG. Các đại diện EU cũng cho biết, theo tính toán của họ, khí đốt Nga rẻ hơn nhiều.

Nhà báo Đức đồng thời cho biết thêm, việc tổng thống Mỹ tiền nhiệm yêu cầu “giải thoát châu Âu khỏi sự giam cầm năng lượng” của Nga đã khiến nước Đức bị sốc. Theo giới chức Berlin, chiến lược của Trump dường như là buộc EU phải mua khí đốt đắt tiền hơn của Mỹ.

Theo Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR), khối lượng nhiên liệu cung cấp từ Nga cho nước này chiếm khoảng 34% khối lượng nhập khẩu dầu, hơn 50% khí đốt và 45% than. Trong trường hợp Đức tìm được nguồn cung thay thế thì lợi ích kinh tế bị mất đi cũng là quá lớn, bởi tất cả các nguyên, nhiên liệu mà Moscow cung cấp cho Berlin đều có giá thấp hơn so với các nước xuất khẩu năng lượng khác, đặc biệt là LNG Mỹ.

Tác giả đồng trích dẫn tuyên bố của người đứng đầu liên minh vận động hành lang LNG Allies là ông Fred Hutchison rằng, Mỹ quan tâm trực tiếp việc đẩy lùi khí đốt đường ống của Nga cả ở châu Âu và đặc biệt là thị trường năng lượng Đức.

Ông Hutchison thừa nhận rằng, công ty Nga Gazprom đã đúng khi chỉ trích châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường giao ngay ngắn hạn cùng với giá cả biến động của nó, mà thiếu những định hướng chiến lược dài hạn và ổn định về nguồn cung cũng như giá cả.

Vị quan chức Mỹ chỉ ra cho châu Âu rằng, giải pháp cho vấn đề nằm ở việc ký kết các thỏa thuận dài hạn, nhưng không phải với Moscow, mà với các đối tác khác, mà tối ưu nhất là với các công ty Mỹ.

Hiện nay, Nga đang chiếm gần 40% thị phần khí đốt cung cấp cho châu Âu, nếu Washington đánh bật được Moscow, hoặc chỉ cần làm giảm một nửa nguồn cung của Nga tới thị trường EU thì Mỹ sẽ thống trị thị trường năng lượng thế giới, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho các tập đoàn năng lượng Mỹ.

Trong khi đó, các nước châu Âu sẽ phải mua LNG với giá "cắt cổ", bởi khí tự nhiên đường ống của Nga trong các hợp đồng dài hạn có giá rẻ hơn tới 5 lần so với giá khí đốt trên thị trường châu Âu. Và cuối cùng, chỉ có Nga và người châu Âu là gánh chịu thiệt hại, còn Mỹ chính là kẻ thủ lợi!