Căng thẳng mới trong quan hệ Nhật - Hàn quanh thỏa thuận "phụ nữ mua vui"

ANTD.VN - Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang đối mặt với thách thức lớn sau khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo không tín nhiệm thỏa thuận mà hai nước ký hồi tháng 12-2015 về vấn đề "phụ nữ mua vui”. 

Căng thẳng mới trong quan hệ Nhật - Hàn quanh thỏa thuận "phụ nữ mua vui" ảnh 1Người dân Hàn Quốc tuần hành yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận về “phụ nữ mua vui” được ký kết giữa chính phủ nước này và Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ không dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới sau khi Seoul tuyên bố rằng thỏa thuận với Tokyo về vấn đề “phụ nữ mua vui” - chỉ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến thứ hai có những thiếu sót nghiêm trọng.

Đây sẽ là một sự khởi đầu không mong muốn trong năm mới cho quan hệ Nhật - Hàn. Quyết định của Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đề xuất của ông về việc tiến hành Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Hàn-Trung vào tháng 4-2018 khi Seoul có thể trả đũa bằng một động thái tương tự. Cuộc gặp 3 bên, dự kiến tổ chức tại Nhật Bản trong hai năm qua, đã nhiều lần bị trì hoãn. 

Trước đó, nhóm quan chức và chuyên gia Hàn Quốc có nhiệm vụ rà soát thỏa thuận “phụ nữ mua vui” từ hồi tháng 8-2017, công bố báo cáo điều tra cho biết chính phủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã che giấu một phần của thỏa thuận nhằm tránh bị chỉ trích về những nhượng bộ bí mật với Nhật Bản, đồng thời không nỗ lực đầy đủ trong việc lắng nghe các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận.

Ngoài ra, nhóm trên cũng xác nhận lời đồn đoán rằng phía Hàn Quốc đã nhượng bộ quá nhiều trong quá trình thương lượng và việc này không được công bố để tránh bị công luận chỉ trích. Nhóm còn kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc hiện nay đưa ra cách tiếp cận lâu dài hơn để giải quyết vấn đề mang tính lịch sử này.

Sau khi báo cáo trên được công bố, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha đã đưa ra lời xin lỗi về thỏa thuận gây tranh cãi này, đồng thời kêu gọi Tokyo cần nỗ lực hơn nhằm hỗ trợ các nạn nhân lấy lại danh dự và phẩm giá cũng như chữa lành các vết thương tinh thần. Theo thống kê, hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong giai đoạn chiến tranh.

Nhật Bản đã có phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên của Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thẳng thừng tuyên bố “sẽ không xê dịch thỏa thuận dù chỉ là 1mm”. Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, thỏa thuận này đạt được sau một tiến trình thương lượng hợp pháp giữa chính phủ hai nước và đề nghị Seoul thực thi thỏa thuận mà hai bên đã khẳng định giải quyết “triệt để và dứt điểm”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản tuyên bố mọi nỗ lực sửa đổi thỏa thuận này sẽ là hành động không thể chấp nhận và khiến mối quan hệ Nhật - Hàn trở nên khó kiểm soát. 

Thực chất, thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ mua vui” đã gây tranh cãi về quyền lợi của phía Hàn Quốc ngay từ khi bắt đầu. Người ta cho rằng thay vì thảo luận kỹ một cách thẳng thắn các chi tiết cụ thể của thỏa thuận, có tham vấn ý kiến của tất cả các bên một cách toàn diện, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã vội vã đi đến thỏa thuận cuối cùng dưới sức ép của Mỹ. 

Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là bà Park Geun-hye đã có những bước đi để đạt được thỏa thuận một cách sớm nhất và chỉ đạo các quan chức dưới quyền ký thỏa thuận với Nhật Bản càng sớm càng tốt. Tương tự, Nhật Bản cũng tỏ ra muốn giải quyết nhanh chóng vấn đề này do lo ngại căng thẳng trong quan hệ với Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và quan hệ liên minh Nhật-Mỹ-Hàn. Tuy nhiên, trong phản ứng mới nhất, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã xem xét lại thỏa thuận song phương này theo đúng như cam kết được ông đưa ra khi tranh cử.  

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không thể đạt được thỏa thuận và giảm việc tham dự các cuộc họp song phương cũng như đa phương ở cấp cao nhất sẽ càng làm gia tăng sự mất lòng tin giữa hai bên. Điều này sẽ tác động đến tình hình chính trị khu vực cũng như chính sách của Mỹ đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi họ đều là những đồng minh thân thiết của Washington. Những bất đồng song phương sẽ làm suy yếu cách tiếp cận tập thể không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với cả cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.