"Căng" tấm lưới an sinh

ANTD.VN - Chính phủ vừa công bố chương trình hành động cho 5 năm tới, tập trung vào 6 nhóm công việc, trong đó mục tiêu thứ ba là đảm bảo an sinh xã hội, vốn là “bệ đỡ” bảo vệ quyền lợi người lao động. 

Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH lại đề xuất vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào đầu năm 2017. Đây là hai vấn đề đã được đề xuất và đang gây tranh cãi, chưa có hồi kết.

Xét về dài hạn, tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu. Còn việc tăng giờ làm thêm là đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của hàng triệu người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như các công ty, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tăng giờ làm thêm là một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều nơi dù đã được luật hóa hay chưa.

Đây được coi là lối thoát độc nhất giúp người lao động tăng thu nhập một cách chính đáng. Tuy nhiên, dưới con mắt của giới chuyên gia cần phải xem xét, nghiên cứu thấu đáo tác động của nó như thế nào. Đặc biệt phải xây dựng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội hợp lý giữa thời gian làm thêm, thời gian đóng bảo hiểm cũng như thời gian hưởng BHXH. Khi tăng giờ làm thêm không thể chỉ chạy theo nhu cầu tăng tiền lương của người lao động mà “bỏ qua”  sức khỏe của họ. Về lâu dài, hệ thống pháp luật về lao động xây dựng không phải để thực hiện cho trước mắt mà cần “đi trước đón đầu”, phải có lộ trình cụ thể.

Một loạt câu hỏi đặt ra là: đối tượng nào, ngành nghề nào thì được phép làm thêm giờ, tăng ca? Tăng bao nhiều giờ là hợp lý để đảm bảo năng suất lao động, sức khỏe của công nhân, nhất là lao động nữ hiện đang chiếm số đông trong các ngành dệt may, da giày xuất khẩu hoặc ngành điện tử. Cả phía bộ chủ quản và nhiều chuyên gia đều cho rằng, những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, công nhân thường bị suy giảm khả năng làm việc thì không nên khuyến khích tăng giờ làm thêm.

Tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm chắc chắn sẽ gây áp lực lên hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vậy, một số chuyên gia đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam nếu vẫn hoạt động theo cung cách như một tổ chức hành chính sự nghiệp như hiện nay thì không có cách nào mở rộng che phủ bảo hiểm. Thị trường hóa, đa dạng hóa các tổ chức cung cấp cũng như các gói bảo hiểm sẽ giúp cho hệ thống an sinh xã hội trở nên đa tầng, toàn diện hơn, san sẻ gánh nặng cho Nhà nước.

Bộ luật Lao động hiện đang tập trung vào việc nới lỏng các quy định về quan hệ lao động. Quy định về lao động đang được thiết kế hướng vào các thiết chế bảo vệ người lao động, thay vì nặng về bảo vệ việc làm có nghĩa là nỗ lực để “căng” tấm lưới an sinh xã hội không còn những “lỗ hổng”.