Càng sướng càng thấy… khổ

ANTĐ - Thử hỏi ông, trên thế giới có nước nào như nước ta, Chính phủ phải ra nghị định cụ thể, chi tiết về chuyện cưới xin, ma chay, tang lễ hay không?

- “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà. Ngày trước nghèo đói, thiếu thốn, mọi chuyện hiếu, hỉ cứ đơn giản, nhẹ nhàng như không. Giờ mới có điều kiện, rủng rỉnh tiền bạc, khoe giàu, khoe danh, khoe mẽ nên Nhà nước mới phải quy định lễ cưới bao nhiêu khách mời, bày ra bao nhiêu mâm.

- Theo tôi, quy định ấy có phần giảm bớt gánh nặng “chạy sô” đám cưới, “cơm bụi giá cao” cho bao người hết cả tháng lương vì “hạnh phúc trăm năm” của bao lứa đôi. Nhưng quy định mới đây của Chính phủ về tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức khi từ giã cõi đời quả thật là rất… nhân văn.

- Quy định cụ thể như thế nào?

- Từ ngày 1-2 tới, việc tổ chức lễ tang không quá 7 vòng hoa. Ban tổ chức sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định hai bên bàn thờ và 5 vòng hoa luân chuyển cho các đoàn lần lượt vào tiễn biệt người quá cố. Ngay cả lễ Quốc tang cũng không quá 36 vòng hoa.

- Đúng quá, “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng tình nghĩa đâu phải ở những vòng hoa mà ở mối quan hệ trong đời sống mỗi người nằm xuống.

- Công chức đi trước, làng nước theo sau, việc luật hóa phong tục không chỉ thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí mà còn phù hợp với tâm linh. Ngay ở những nước giàu có đám tang rất giản dị, không lắm vòng hoa chất đầy mộ mà người mất vẫn mãi ở trong lòng người sống.

- Thực ra, những chuyện hiếu hỉ quá đà, quá bày vẽ, khoa trương ở nước ta chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây thôi. Đời sống vật chất tăng lên, lắm tiền, lắm của mới “đẻ” ra nhiều thứ rườm rà, tốn kém.

- Thế chẳng hóa ra, càng sướng thì càng… khổ sao? Khổ cho cả người được hưởng hạnh phúc, khổ cho cả người mất, người còn. Vậy mà có những người lại cảm thấy sướng khi làm người khác khổ.