Căng như... mặt bằng

(ANTĐ) - Chỉ còn 3 năm nữa, Hà Nội sẽ kỷ niệm nghìn năm tuổi. Trong số 35 dự án trọng điểm chào đón sự kiện này, hiện chỉ có 2 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, 10 dự án khác đang dở dang bàn giao từng phần với diện tích hơn 63ha trên tổng số 321ha phải thu hồi.

Căng như... mặt bằng

(ANTĐ) - Chỉ còn 3 năm nữa, Hà Nội sẽ kỷ niệm nghìn năm tuổi. Trong số 35 dự án trọng điểm chào đón sự kiện này, hiện chỉ có 2 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, 10 dự án khác đang dở dang bàn giao từng phần với diện tích hơn 63ha trên tổng số 321ha phải thu hồi.

Giải phóng mặt bằng quả là căng như... mặt trống thúc giục thời gian rất gấp gáp. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2007, Hà Nội mới bàn giao xong mặt bằng cho 45 dự án trong tổng số 289 dự án phải giải phóng với diện tích 1.612ha, liên quan đến cuộc sống của 36.000 hộ dân, tái định cư cho 13.314 hộ.

Sự căng thẳng đến mức, Ban chỉ đạo thành phố đã tiếp nhận 40 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 33 đơn dồn vào điểm “nóng” giá bồi thường đất ở, giá đất nông nghiệp khu vực giáp ranh.

Ông Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, nguyên nhân là do một số dự án khi xây dựng kế hoạch không sát thực tế, mang nặng tính chủ quan: chưa xem xét các điều kiện cần và đủ như nguồn vốn, tái định cư.

Cơ chế phối hợp giữa các ngành lại xộc xệch. Việc đầu tiên là phải có quyết định thu hồi đất, nhưng nhiều dự án “bỏ qua” thủ tục này. Lẽ ra chủ đầu tư và thành phố phải có sẵn nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ để chi trả cho dân. Đằng này, không ít dự án triển khai rồi mà nguồn kinh phí vẫn... trống rỗng.

Song, nguyên nhân sâu xa lại nằm ngay trong lòng đất. Cụ thể là việc thực hiện nguyên tắc định giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Việc bồi thường bằng đất ở, đất dịch vụ đối với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp cũng gặp khó khăn và không khả thi, bởi vì quỹ đất nông nghiệp còn lại rất hạn hẹp và cơ bản đã giao cho các hộ theo Nghị định 64/CP.

Quỹ nhà đất bố trí tái định cư để giải phóng mặt bằng cũng quá eo hẹp. Bất hợp lý ở chỗ: quỹ nhà tái định cư phụ thuộc vào Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất. Nếu như để quận, huyện quyết định nơi tái định cư thì địa phương sẽ chủ động bố trí nhà ở cho người đã nhận tiền đền bù.

Tình trạng căng thẳng trong khâu giải phóng mặt bằng ở Hà Nội đâu phải mới bộc lộ. Nó đã ẩn chứa từ lâu, từ việc chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cắm mốc chỉ giới một số dự án chưa triển khai kịp thời, đồng bộ.

Lại thiếu cơ chế chính sách để thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng công trình kết hợp hài hòa chỉnh trang hai bên đường. “Bộ mặt” đô thị văn minh, hiện đại bị “biến dạng” với những căn nhà “dị dạng” méo mó, mỏng manh như bìa hộp các tông.

Có nơi, có lúc, có những dự án thực hiện thiếu công bằng, công khai “chiếu lệ”, thiếu dân chủ giữa những hộ phải bốc đi và những hộ được ở lại, gây nên bức xúc, khiếu nại cho những người bị thu hồi đất.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị 5 giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, giảm dần sự căng thẳng trong khâu giải phóng mặt bằng.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, công việc gian nan, bề bộn khó khăn này có giải tỏa được hay không còn phụ thuộc vào cả hệ thống chính trị. Dân chủ, công bằng, công khai, đúng pháp luật là điều kiện tiên quyết.

Đan Thanh