Càng ngày càng lép vế

ANTĐ - Càng cận kề Tết Nguyên đán, “cơn lũ” hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng càng trở nên dồn dập, ồ ạt đổ về Hà Nội. Hễ cứ ra quân là lực lượng quản lý thị trường, công an lại phát hiện được hàng giả, hàng lậu tràn lan tại các điểm tập kết hàng lậu, kho hàng, bến bãi, các cửa hàng kinh doanh đầu mối. Hàng nhập lậu từ biên giới Trung Quốc bị thu giữ nhiều đến mức các kho hàng của lực lượng quản lý thị trường không còn đủ chỗ chứa. Các đối tượng vận chuyển hàng lậu trở nên manh động, liều lĩnh dùng cả xe tải lớn, xe chở đất đá, xe khách liên tỉnh.

Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, cũng giống như tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc trong quan hệ giao thương hai nước ngày càng bộc lộ mạnh mẽ, chưa hề có dấu hiệu chững hoặc dừng lại. Cho dù “bức tranh” xuất nhập khẩu năm nay của nước ta “đẹp” mỹ mãn, nhưng vẫn còn một mảng màu xám hoàn toàn trái ngược. Mục tiêu đặt ra là hạn chế nhập siêu năm 2012 ở mức 11-12%, nhưng nước ta đã đạt tỷ lệ này gần như bằng 0, vượt rất xa kỳ vọng. Các nhà quản lý dự đoán phải đến cuối thập kỷ này Việt Nam mới có thể kiềm chế được nhập siêu, vậy mà năm 2012 đã về đích trước tới 8 năm. Kết quả thật đáng khích lệ, song nhìn vào kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thập kỷ 1990 Việt Nam thường xuyên xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng thập kỷ vừa qua lại liên tục nhập siêu với tốc độ chóng mặt. Theo số liệu thống kê, trong thập kỷ 90 nước ta xuất siêu trên nửa tỷ USD, sang thập kỷ 2000-2010, Việt Nam nhập siêu lên tới 55 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu cũng “siêu” ở mức 140,9%. Theo đà này, năm 2011 nhập siêu đạt kỷ lục 13,5 tỷ USD. Còn trong năm 2012, ước tính kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 28,2 tỷ USD. Một “kỷ lục” chưa từng có trong giao thương giữa hai nước.

Trong cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt hàng chủ yếu là nông, lâm, thủy sản tăng 14,5% và đạt 5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cũng những mặt hàng này ra thị trường thế giới chỉ tăng 7,6% và đạt 26 tỷ USD. Điểm đáng nhấn mạnh trong xuất khẩu gạo trong năm ngoái là khối lượng xuất sang Trung Quốc tăng đến gần 6,2 lần, song giá lại rất “bèo bọt” 429 USD/tấn nên kim ngạch chỉ đạt 785 triệu USD. Đáng lo ngại là “kỷ lục” nhập siêu lên tới 15,7 tỷ USD, tăng 125,9% do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp ngày càng ít, ngược lại nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc lại quá nhiều. Cụ thể, xuất khẩu chỉ đạt 6,6 tỷ USD nhưng nhập khẩu đạt mức khổng lồ tới 24 tỷ USD. Hơn thế, hàng công nghiệp xuất khẩu sang thị trường vẫn không có thêm mặt hàng nào ra tấm ra món, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc danh mục ngày càng dài ra, quy mô ngày càng lớn. Đơn cử, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu tới 5,2 tỷ USD, tức là lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu 12 mặt hàng nông sản. Những mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch nhiều tỷ USD là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, bông vải sợi.

Rõ ràng, cơ cấu và quy mô xuất nhập khẩu ngày càng nghiêng lệch khiến nước ta ngày càng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Trong khi đó, nước ta phải nhặt nhạnh từng USD trong buôn bán với tất cả các thị trường để bù đắp phần nhập siêu quá mức từ thị trường này. Nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc, tức là nước ta ngày càng phụ thuộc và ngày càng lép vế với họ.