Càng mở, càng… hẹp

(ANTĐ) - Có một sự thật hiển nhiên mà lâu nay ít người để ý tới, các cuộc thi tuyển sinh đại học ở nước ta luôn khiến cả xã hội phải… sôi lên, đâu chỉ để “sàng lọc” những sĩ tử có đủ trình độ, mà còn là cuộc gạt bỏ bớt những thí sinh khát khao muốn lọt qua cánh cửa đại học vốn ngày càng hẹp hơn. Đơn giản là vì các trường đại học dù mọc lên quá nhanh cũng chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng 20% tổng số thí sinh.

Cách đây mấy chục năm, một học sinh kiếm được bằng tú tài ở nước ta đã là niềm vinh hạnh lớn, khiến gia đình, họ hàng, làng xóm “mở mày, mở mặt”. Hàng vạn “thầy khóa” rơi rụng trước cửa trường đại học cũng tức là hàng vạn bậc cha mẹ, suốt hơn chục năm nuôi nấng, chăm bẵm, thậm chí nhịn ăn, nhịn mặc cho con cái ăn học, đặt bao kỳ vọng, bỗng chốc “sôi hỏng, bỏng không”. Tinh thần hiếu học là vốn quý, ý chí vươn lên bậc thang tri thức thật đáng trân trọng.

Song, đó có phải là cánh cửa duy nhất mở ra cho thế hệ sẽ đưa đất nước phát triển bền vững? Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2010 số thí sinh thi vào ngành khoa học xã hội - nhân văn chỉ chiếm 7,8%, năm nay tỷ lệ này giảm xuống còn 6,4%. Trong khi đó, số thí sinh lao vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kiến trúc, xây dựng… ngày càng đông đúc hơn. Hiện tượng này cũng dễ hiểu, bởi sinh viên ra trường thuộc các ngành xã hội nhân văn khó xin việc làm hơn, lương bổng, thu nhập thấp, ít có cơ hội thăng tiến. Ngược lại, các ngành khối A, B, D sẽ mở ra một “tương lai” sáng sủa và vững chắc.

Thực trạng này không nên đổ lỗi cho các em, vấn đề là sự mất cân đối về ngành nghề đào tạo cũng như công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường trung học phổ thông. Quan sát chính sách giáo dục sau tú tài ở một số nước phát triển trên thế giới, có thể rút ra một số bài học đáng học theo, làm theo. Trước hết, thi cử chỉ là một trong nhiều tiêu chí đánh giá trình độ thí sinh để tuyển vào các trường đại học. Điểm thi bằng tú tài là quan trọng trong việc xét tuyển, nhưng không phải là tiên quyết. Các trường đại học danh tiếng thường có xu hướng nhận xét một sinh viên không theo kết quả nhất thời mà dựa vào cả quá trình học tập, hoạt động.

Cụ thể là điểm số, thành tích học tập chung, các bài luận, đặc biệt là thông qua các hoạt động xã hội, đoàn thể, văn hóa, nghệ thuật, thể thao mà học sinh đã tham gia. Nếu như thí sinh là thành viên của các tổ chức xã hội, hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng thì khả năng được tuyển chọn sẽ cao hơn bình thường. Mặc dù đại học được coi là “mảnh đất” màu mỡ để gieo trồng tri thức cao nhất, nhưng không phải là nơi duy nhất để một con người có đủ nhân cách, học thức và trình độ đóng góp tốt cho xã hội. Hầu hết ở các nước có nền giáo dục gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đều xây dựng được một hệ thống dạy nghề rất hiệu quả. Từ rất sớm, học sinh đã được cha mẹ và nhà trường “vạch đường, chỉ lối” cho mai sau, tránh những ảo tưởng và lãng phí công sức, tiền của “nuôi mộng” đại học. Ngay cả các nhà tuyển dụng của các tập đoàn lớn trên thế giới, tấm bằng đại học không phải là điều tiên quyết.

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thế giới đã thay đổi lớn về quan điểm giáo dục, đưa học sinh - sinh viên trở thành chủ thể, từ bị động trở thành chủ động. Từ “giáo dục suốt đời” trở thành “học tập suốt đời”. Nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy giáo dục, thì trường đại học ở nước ta càng mở ra lại càng… hẹp hơn.