Họa sĩ Lê Thiết Cương:

"Càng làm về đường Trường Sơn huyền thoại, càng thấy chưa đủ"

ANTD.VN - Làm giám tuyển cho triển lãm “Ký ức Trường Sơn” vừa khai mạc tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, anh đã làm nhiều triển lãm nhưng lần này, tốn công tốn sức và đôi lúc tưởng như quá tải bởi đề tài vô cùng rộng lớn. Nhưng càng làm, ông càng thấy rõ hơn sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. 

Đường Trường Sơn theo dòng suối, 1995 - Thuốc nước trên giấy, 64 x 80 cm - họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

- PV: Đường Trường Sơn huyền thoại đã trở thành đề tài cho nhiều bài viết, nhiều cuộc triển lãm. Khi bắt tay vào thực hiện “Ký ức Trường Sơn”, ông có ý định sẽ tạo nên sự khác biệt?

- Họa sĩ Lê Thiết Cương: Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn, nhiều đơn vị trong quân đội như: Thư viện Quân đội, Truyền hình Quân đội, Tổng cục Chính trị đều có các hoạt động hướng tới dấu mốc lịch sử ý nghĩa này. Hòa cùng không khí này, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA đã đề nghị tôi làm giám tuyển cho triển lãm “Ký ức Trường Sơn” với một kịch bản mang tính tổng thể, trong đó, hội họa làm thân cây, còn cành nhánh là các loại hình nghệ thuật khác như: video art, sắp đặt, nhiếp ảnh… Sự khác biệt có lẽ được nhìn nhận ở việc sử dụng các tư liệu đã nhuốm màu thời gian nhưng được thể hiện bằng các hình thức trưng bày hiện đại. 

Khi đặt chân tới VCCA, người xem sẽ gặp ngay dãy núi Trường Sơn sơn màu đỏ ở sảnh. Mặt trước của dãy núi là những bản thảo viết tay thư, nhạc, thơ, nhật ký của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối với ca khúc “Bước chân trên dải Trường Sơn”, những câu thơ đầu tiên viết bằng bút mực trên giấy của nhạc sĩ Huy Du với ca khúc “Nổi lửa lên em”, thơ của nhà văn Ngô Thảo, Dương Thị Xuân Quý. Cuốn nhật ký chiến trường của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thụy Kha… 

Mặt sau của dãy núi Trường Sơn ấy sẽ là ảnh của các nhạc sĩ, ca sĩ Trần Tiến, Quang Thọ, Doãn Nho… và các bức ảnh nổi tiếng nhất trong thời chống Mỹ như “Cầu người” của Phạm Văn Thích, “Đường Trường Sơn” của liệt sĩ, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng…

- Sử dụng hội họa làm “thân cây” trong toàn bộ triển lãm thay vì các bức ảnh, ông có tin tính hiện thực của cuộc chiến sẽ được gửi đến người xem trọn vẹn?

- Vì lấy hội họa làm nòng cốt nên ở triển lãm lần này sẽ có 200 bức ký họa trực tiếp ở đường Trường Sơn của 7 họa sĩ là Trần Huy Oánh, Lê Chí Dũng, Hoàng Đình Tài… và các sáng tác về Trường Sơn sau này. Bên cạnh đó còn nhiều cuốn nhật ký chiến trường bản gốc được trưng bày ở đây. Bản thân ký họa đã mang tính hiện thực nên tôi tin, khán giả khi đến với phòng trưng bày sẽ không gặp bất cứ rào cản nào trong việc hồi tưởng về quá khứ, về một thời “nằm gai nếm mật” của lớp cha anh đi trước.

Triển lãm ”Ký ức Đường Trường Sơn” mở cửa tự do đón công chúng tham quan từ ngày 26-4 đến hết 26-5, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong thời gian diễn ra triển lãm, VCCA cũng tổ chức các sự kiện nghệ thuật nhằm giúp khán giả hiểu hơn về hội họa Việt Nam thời chiến. 

Qua cuộc triển lãm này, nhiều thế hệ ngày nay sẽ hiểu rằng, không có con đường Trường Sơn huyền thoại, sẽ không có Đại thắng mùa Xuân 1975. Bởi không có con đường đó, sẽ không có bộ đội hành quân vào miền Nam vận chuyển lương thực, thuốc men, xăng dầu, thông tin… chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là một quyết định đúng đắn của Đảng và Chính phủ thể hiện ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước. Các họa sĩ đã vẽ rất rõ điều ấy trên tranh, không có một cuộc chiến tranh nào trên thế giới có thể so sánh được.                                                 

- Ông ấn tượng nhất về điều gì ở con đường huyền thoại này?

- Quá trình làm giám tuyển cho cuộc triển lãm “Ký ức Trường Sơn”, tôi đã được đọc nhiều tài liệu và hiểu rằng, đó là con đường được Mỹ thử nghiệm tất cả các loại vũ khí khủng khiếp nhất như vũ khí hóa học, bom từ trường, bom nhiệt, bom lá, chất độc dioxin… Theo số liệu phía Mỹ đưa ra, bom Mỹ ném xuống Trường Sơn gấp đôi số bom Mỹ và đồng minh đã dùng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Đó là thực tế nghiệt ngã mà những người Việt Nam đã gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, đây là chiến thắng của ý chí, không thể so sánh với sức mạnh quân sự với phía bên kia. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân, con đường Trường Sơn nếu không có người dân không có con đường đó. Đường Trường Sơn còn là con đường hữu nghị 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương

- Bên cạnh thực tế khốc liệt đã diễn ra trên đường Trường Sơn, còn có một thực tế khác được nhắc đến, đó là tính lãng mạn, trữ tình. Ông đã khai thác và chuyển tải vấn đề này trong triển lãm như thế nào?

- Tôi tận dụng triệt để sức mạnh của văn học nghệ thuật trong việc diễn tả tính trữ tình ở con đường Trường Sơn, để lý giải phần nào ý chí, quyết tâm của những người lính vượt Trường Sơn ra trận. Nếu chỉ có sự khốc liệt, có lẽ đường Trường Sơn đã không đi vào nghệ thuật một cách đẹp đẽ như thế, đã không có các ca khúc đi cùng năm tháng như: “Bước chân trên đỉnh Trường Sơn”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, “Sợi nhớ sợi thương”…

Do vậy, ở triển lãm lần này, tôi đã sử dụng video art có hình ảnh, âm nhạc để minh chứng cho điều này. Trên nền nhạc của ca khúc “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân giải phóng” và “Bài ca giao thông vận tải”, tôi đã sử dụng hình ảnh của các bản chụp viết tay của trường ca “Hành lang thép” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kết hợp các bản viết tay và hình ảnh về Trường Sơn. 

- So với các cuộc triển lãm đã diễn ra, bắt tay vào thực hiện “Ký ức Trường Sơn”, ông có phải chịu những áp lực nhất định?

- Áp lực lớn nhất với tôi là đề tài quá rộng lớn và sự vĩ đại của con đường huyền thoại khiến tôi luôn cảm thấy mình phải làm tốt hơn nữa, dày dặn chất liệu hơn nữa. Đây là một triển lãm tốn công tốn sức với tôi, đôi khi còn cảm thấy hụt hơi với khối lượng công việc. Nhưng khi đã làm xong, tôi lại thấy, càng làm, càng nghiên cứu về đường Trường Sơn, càng thấy chưa đủ.

Trên con đường Trường Sơn có một nhánh nhỏ rất đáng được nhắc tới là Đường 20 Quyết Thắng nối từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn dài gần 200km. Từ con đường đó đã sinh ra biết bao thuật ngữ chiến tranh mà ngày nay, không phải ai cũng biết và hiểu một cách chính xác. Vì thế, tôi cho rằng, cần có thêm một cuộc triển lãm về Đường 20 Quyết Thắng nhưng có làm được hay không cũng còn là cái duyên nữa.

- Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện!