Càng gỡ càng thêm rối

ANTĐ - Dạy thêm học thêm, từ hơn chục năm nay đã trở thành “chuyện cũ vẫn mới” trong xã hội và ngành giáo dục. Bộ Giáo dục-Đào tạo mới ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, thay thế một thông tư được ban hành từ năm 2007. Trên thực tế, ngay cả các quy định của thông tư cũng chưa thực hiện được, nay lại một thông tư “đè” lên. Tại cuộc hội thảo về quản lý vấn đề rắc rối này vừa được Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội tổ chức, nhiều quy định, nhiều ý kiến vẫn cứ rối thêm.

Một số trường hợp không được dạy thêm, trong đó không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Bản thân các cán bộ quản lý giáo dục cũng mỗi người một ý. Một trưởng phòng giáo dục quận cho rằng, nếu có đủ phòng học thì các phòng giáo dục sẽ khuyến khích các trường tiểu học dạy hai buổi/ngày; chứ không phải trông giữ trẻ ngoài giờ. Một trưởng phòng khác lại ủng hộ cho phép trông giữ trẻ, vì ngày thứ bảy phụ huynh tha thiết các trường trông trẻ với mức thu vừa phải để họ yên tâm đi làm. Bàn luận rôm rả nhất là vấn đề thu tiền học thêm.

Theo quy định, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa đơn vị, cá nhân, tập thể tổ chức dạy thêm với cha mẹ học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, vì không có quy định khung nên có giáo viên dạy thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, có người không được mấy tiền. Một trưởng phòng giáo dục huyện chỉ rõ, thu nhập từ dạy thêm của giáo sư, tiến sĩ cũng bị khống chế bởi quy định, trong khi giáo viên tiểu học dạy thêm thì không ai quy định. Vấn đề “nóng” nhất được bàn cãi trong cuộc hội thảo là gì? Cán bộ quản lý giáo dục thì cho rằng phải quản lý được chất lượng dạy thêm.

Còn học sinh, phụ huynh lại mong mỏi được học thêm hoàn toàn tự nguyện. Theo nhiều cán bộ quản lý, nếu còn để giáo viên chính khóa được dạy thêm ngoài nhà trường cho chính học sinh của mình, thì chuyện dạy thêm khó “trong sáng”. Nhiều giáo viên dạy ở trường xong lại kéo học sinh về nhà mình dạy thêm. Phụ huynh rất bức xúc nhưng không thể từ chối vì sợ “sứt mẻ” mối quan hệ thầy trò. Tất nhiên cũng có thầy cô dạy tốt, thu tiền cao nhưng học sinh vẫn xếp hàng xin học. Ngược lại, nhiều người dạy chẳng ra gì nhưng vẫn thu tiền. Học sinh không học thêm, không dám nhìn mặt thầy cô ở lớp.

Trưởng phòng giáo dục một quận trung tâm Hà Nội đề xuất, nếu giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ ở trường hoặc hoàn thành nhưng vẫn ép học sinh học thêm rồi thu tiền cao, thì phải xử lý hành chính. Một hiệu trưởng trường THPT thừa nhận, việc quản lý chất lượng dạy thêm là rất khó vì không có cơ sở nào để đưa ra tiêu chuẩn giáo viên khá mới được dạy thêm. Ngay cả việc xác định thế nào là dạy thêm có chất lượng cũng rất mông lung. Trong khi đó, tiếng nói của giới chức ở một số tỉnh, thành lên tiếng về tình trạng cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm. Nhiều lớp dạy thêm bị đóng cửa, bị kiểm tra, giáo viên bị lập biên bản ngay trong buổi học. Giới phụ huynh cũng bày tỏ: có cách quản lý nào khác ngoài việc bắt giáo viên ký vào biên bản trước mặt học sinh hệt như bắt quả tang buôn lậu? Đành rằng có nhiều giáo viên ép học sinh học thêm giá cao, song cũng có những người giỏi và có tâm. Họ kiếm thêm thu nhập bằng lao động chính đáng, trong khi đồng lương không đủ sống.

Suy cho cùng, cốt lõi của việc quản lý dạy thêm học thêm là không ép học sinh học thêm và tiền học. Dẫu vậy, vấn đề càng gỡ càng thêm rối nếu không giải quyết tận gốc chất lượng giáo dục, nhất là đồng lương thu nhập của hàng triệu giáo viên hiện nay.