“... Cần xây dựng một xã hội nhân tài” 

(ANTĐ) - Một vấn đề được nhắc nhiều trong thời gian qua, đó là làm sao để Việt Nam bắt kịp chuyến tàu “kinh tế tri thức”, cơ hội và  thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ tới.

“... Cần xây dựng một xã hội nhân tài” 

(ANTĐ) - Một vấn đề được nhắc nhiều trong thời gian qua, đó là làm sao để Việt Nam bắt kịp chuyến tàu “kinh tế tri thức”, cơ hội và  thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ tới.

Để không tụt hậu trong cuộc chạy đua tiến tới nền kinh tế của tương lai, chúng ta đề ra các nhiệm vụ phải giải quyết, đó là tập trung phát triển các ngành khoa học, công nghệ tiên tiến, chú trọng đầu tư cho các ngành sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao; kèm theo đó là đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, xây dựng đội ngũ trí thức...

ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Cao Sơn, Nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam xoay quanh đội ngũ trí thức khoa học và những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế tri thức Việt Nam.

- Đánh giá của ông về tầm quan trọng của kinh tế tri thức trong xu thế phát triển chung của thời đại?

- Trong lịch sử phát triển của khoa học - kỹ thuật, cuộc cách mạng hiện nay được coi là cuộc cách mạng lần thứ 3. Cuộc cách mạng công nghiệp này được đánh dấu bằng sự quá độ từ các hệ thống kinh tế quốc gia sang nền kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng, nếu như cuộc cách mạng lần thứ 2 được đặc trưng bởi sự phát triển có tính rượt đuổi dựa trên sự sao chép các công nghệ hiện có thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đòi hỏi sự phát triển có tính độc lập, tích cực và sự tăng trưởng gấp nhiều lần tri thức là điều kiện cơ bản để mang lại thành tựu kinh tế hiện đại.

Hiện nay, cục diện thế giới có những thay đổi to lớn khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới lấy thông tin làm trung tâm phát triển, các nước đang phát triển phải đối mặt với thách thức gay gắt, thì chính chúng ta phải cải cách hơn nữa thể chế giáo dục để theo kịp với trào lưu thời đại, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

"Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia"
"Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia"

- Vậy theo ông kinh tế tri thức và đội ngũ tri thức khoa học Việt Nam hiện nay có phải là những ẩn số chưa có lời giải?

-  Việt Nam đi vào kinh tế tri thức là tất yếu. Phát triển để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến là 2 nhiệm vụ song hành lồng ghép - từ kinh tế nông nghiệp tiến thẳng vào nền kinh tế công nghiệp, rồi tiến vào kinh tế tri thức. Cơ bản nhất là chính chúng ta đang phải chấp nhận một đòi hỏi nghiệt ngã nhưng hoàn toàn lô-gic theo chuỗi những yêu cầu: hiệu quả - chất lượng - tốc độ - thời gian - cơ hội.

Việt Nam không có mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1, đứng ngoài lề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 của nhân loại từ một hoàn cảnh sau hơn thế kỷ nô lệ, chiến tranh, cấm vận, nền kinh tế và hạ tầng kỹ thuật yếu kém bị tàn phá nặng nề. Chúng ta chưa được tập dượt ở sự phát triển có tính rượt đuổi thì đã phải sẵn sàng bước vào sự phát triển có tính độc lập, tích cực và sự tăng trưởng gấp nhiều lần tri thức. Đó vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội; thực sự là một ẩn số của nền kinh tế tri thức Việt Nam.

- Và đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam cũng phải chấp nhận những hậu quả từ hoàn cảnh này?     

- Tôi khẳng định rằng đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam rơi vào một thực trạng rất oái oăm: thiếu - rất thiếu, thừa - rất thừa; hợp tác không chặt chẽ, chưa phát huy cao độ  nội lực sáng tạo cá nhân. Chúng ta có một đội ngũ khoa học đông đảo và rải khắp mọi lĩnh vực. Nhưng chưa bao giờ Việt Nam có được một công trình khoa học hay một phát minh lớn nào xứng đáng với tầm quốc tế. Những học sinh giỏi toán, lý, hóa đỗ trong các kỳ thi quốc tế rất đáng khen, nhưng chỉ một thời gian sau lại tan biến đâu mất.

Để phấn đấu có số lượng đông đảo người có bằng cấp tính trên đầu dân, điều đó không khó. Nhưng điểm mấu chốt là chất lượng của đội ngũ ấy và sử dụng họ ra sao. Bằng cấp muốn cấp, muốn trao là có ngay, nhưng trí tuệ thì không phải thế. Đừng để những bằng cấp, chứng chỉ sau khi có chỉ nằm trong tủ như một kỷ niệm…

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên?

- Hiện nay, mọi thao tác hóa về khái niệm tri thức nhằm tìm ra diện mạo đặc trưng sẽ có độ dung sai khá lớn. Đội ngũ trí thức khoa học - những người có học hàm học vị hiện đang công tác tại viện nghiên cứu và trường ĐH - chính là đối tượng mà dư luận xã hội đặc biệt qua tâm. Tuyệt đại bộ phận những người có chức danh khoa học, chỉ thuần túy làm khoa học trong các cơ sở khoa học và đào tạo thì mức thu nhập không khác gì công chức bình thường. Cuộc sống thiếu thốn do lương thấp, không được trọng thị, mặc dù uy tín trong học thuật của họ là rất đáng quý. Xét cả cuộc đời lao động nghiên cứu khoa học, đào tạo trình độ cao mà đội ngũ khoa học hàng đầu có mức thu nhập thấp kém như ở Việt Nam là điều chưa từng có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chính đây là nguyên nhân của những  tiêu cực trong giới trí thức mà xã hội thường bàn tới.

- Là một nhà nghiên cứu, hẳn ông có những ví dụ so sánh để làm sáng tỏ vấn đề trên?

-  Gần đây, khi bàn về chính sách lương bổng cho các nhà khoa học, có ý kiến mạnh dạn đề nghị mức lương tháng cho các nhà khoa học tiêu biểu có thể đến hàng nghìn USD là có căn cứ. Nếu đứng ở góc độ chăm lo trí tuệ sáng tạo thì đây là điều hoàn toàn hợp lý. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, tôi thấy điều ấy có thể thực hiện được tốt, thậm chí còn hơn thế nữa Nếu như một ca sỹ trẻ diễn một đêm thu nhập tiền triệu, một vận động viên thể thao hoặc một cầu thủ bóng đá hạng vừa có mức lương trung bình trên dưới chục triệu đồng, thì việc trả lương mười triệu cho một nhà khoa học là điều hợp lý và có thể.

Đương nhiên những người tôi muốn đề cập là những nhà khoa học thật sự chứ không nói chung tất cả những người có bằng cấp, lại càng không đồng nghĩa với danh sách khổng lồ những người biên chế trong các cơ quan khoa học và trường ĐH trên phạm vi cả nước. Đối chiếu lại thực tế lương bổng, chuyện thi nâng bậc, qua ngần ấy cửa ải để có bậc lương khởi điểm cho nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên cao cấp như hiện nay là chuyện hài hước đối với khoa học.

- Vậy đâu là mấu chốt để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức?

- Cần xây dựng một xã hội nhân tài, khi đó chúng ta sẽ có một xã hội nền kinh tế tri thức. ở thời đại kinh tế tri thức, khoa học - kỹ thuật, sự thành bại đều do con người mà nên. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó bởi tiêu chí của sự cạnh tranh hiện nay được biểu hiện ở sự đọ sức về kỹ thuật. Con người là mục đích vận hành của xã hội. Xã hội kinh tế tri thức xuất phát từ con người, khai thác con người, phục vụ con người nên xã hội kinh tế tri thức là xã hội nhân tài.

- Thưa ông, những luận điểm ông đưa ra không sai, nhưng có chiều hướng thiên về lý thuyết. Xét trên thực tế, phải chăng để phát triển nền kinh tế tri thức Việt Nam hiện nay chúng ta nên bắt đầu từ khâu đào tạo?

- Đúng! Chính ở khâu đào tạo này là ngọn nguồn nảy sinh mọi vấn đề. Tôi nghiên cứu và thấy rằng, xét trên bình diện chung của thế giới, nhất là đối chiếu với hệ thống ĐH các quốc gia tiên tiến, thì cấu trúc hệ thống nghiên cứu khoa học và đào tạo bậc cao nước ta thuộc loại không giống ai. Hệ thống ĐH các nước nhìn chung là hệ thống khép kín, hoàn chỉnh, tổng thể, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo. Các viện nghiên cứu nằm ngay trong hệ thống các trường ĐH. ở Việt Nam, hệ thống các viện nghiên cứu khoa học Việt Nam với gần 100 viện nghiên cứu chuyên ngành, và hàng nghìn nhà khoa học có kinh nghiệm và trình độ lại nằm riêng biệt, tách khỏi hệ thống đào tạo ĐH.

Các trường ĐH thì thiếu đến mức trầm trọng đội ngũ có trình độ cao. Mấy năm gần đây, hàng loạt các trường ĐH mới được thành lập, từ chính quy, dân lập, bán công, trường đa khoa, trường chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên được thu gom theo nhiều dạng, người nghỉ hưu nhưng còn khả năng và nhu cầu phục vụ, giáo viên các trường CĐ chuyển lên, sinh viên mới tốt nghiệp loại khá, giỏi giữ lại và một đội ngũ đông đảo cán bộ thỉnh giảng chưa qua chọn lọc.

- Ông có niềm tin về khả năng phát triển nền kinh tế tri thức Việt Nam trong tương lai?

- Rất tin tưởng, vì đó là xu thế tất yếu. Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta sẽ có những thành tựu lớn nếu chú tâm xây dựng đội ngũ lao động trí tuệ hợp lý và tạo dựng một môi trường xã hội phù hợp hơn nữa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Quân (Thực hiện)