Cần xác định rõ trách nhiệm của Tổng giám đốc nhà xuất bản

ANTĐ - Luật phải quản lý chặt chẽ cả 3 khâu: Xuất bản, in, phát hành. Đó là ý kiến của đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 27-10 về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. 

Xuất bản phẩm là hàng hóa đặc biệt, lan truyền rất nhanh và rộng rãi trong xã hội, tác động đến tâm lý, tư tưởng của mọi người. Do đó, nếu cho ra đời một sản phẩm độc hại thì hậu quả để lại trong xã hội rất khôn lường chính vì thế phải có biện pháp quản lý chặt chẽ cả khâu in và phát hành. Đại biểu Phùng Đức Tiến đưa ra  con số cả nước có trên 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó chỉ có hơn 400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự chi phối điều chỉnh của Luật Xuất bản, còn lại khoảng 1.100 cơ sở chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác không phải là xuất bản phẩm, các cơ sở này không chịu sự quản lý hoạt động của chuyên ngành in. Đây có thể là những đầu mối tiếp tay cho hoạt động in sách lậu tràn lan và cơ quan quản lý không nắm được và không quản lý được. Do vậy, trong dự án luật này chỉ đề cao phần quản lý của xuất bản và liên kết xuất bản là chưa đầy đủ mà cần thêm cả lĩnh vực, in và phát hành. 

Liên kết  xuất bản cũng là một vấn đề “nóng” và được coi là “lỗ hổng lớn” cho ra đời những xuất bản phẩm kém chất lượng. Các nhà xuất bản chủ yếu liên kết xuất bản mà không nắm được nội dung chất lượng của các xuất bản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản cũng không nắm rõ nội dung các xuất bản phẩm đã đăng ký. Không thể phủ nhận hiệu quả của liên kết xuất bản nhưng chính nó đã làm cho thị trường sách trở nên vô cùng phức tạp, sách giả, in lậu bày bán công khai làm lũng đoạn thị trường. Có trường hợp xuất bản phẩm được đối tác liên kết phát hành trước khi nộp lưu chiểu, thậm chí phát hành không cần lệnh của giám đốc nhà xuất bản. Nhiều tác phẩm có nội dung sai trái không được phát hiện xử lý vẫn lọt ra thị trường. Chính vì vậy, liên kết xuất bản cũng là vấn đề được các đại biểu bàn thảo và cho nhiều ý kiến. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về trách nhiệm của Tổng giám đốc nhà xuất bản trong liên kết xuất bản cũng như phía đối tác liên kết, không nên chỉ quy định chung chung là chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết và xuất bản phẩm liên kết. 

Cũng liên quan đến liên kết xuất bản, việc dự thảo bổ sung thêm điều khoản quy định cho đối tác liên kết được tham gia biên tập sơ bộ bản thảo đã không nhận được sự đồng tình của một số đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng đây sẽ là một kẽ hở lớn trong hoạt động xuất bản, chỉ nên quy định cho đơn vị liên kết được khai thác bản thảo in xuất bản và phát hành xuất bản phẩm. 

Bên cạnh đó, việc dự thảo luật bỏ quy định về thời gian nộp lưu chiểu ít nhất 10 ngày trước khi phát hành cũng còn một số ý kiến lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng tăng số lượng tác phẩm có nội dung không phù hợp lọt ra thị trường và đề nghị nên giữ nguyên như luật hiệnhành.