Cần truy tìm độc tố trong thuốc kích thích giá đỗ

ANTĐ - 80.000 ống thuốc kích thích giá đỗ vừa bị thu giữ, trước đó, 1.500 ống thuốc thúc chín hoa quả, xuất xứ Trung Quốc cũng đã bị lực lượng chuyên ngành phát hiện và tại các tỉnh phía Nam, liên tiếp nhiều vụ phát hiện sử dụng trái phép chất kích thích giá đỗ làm dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV).

Cần truy tìm độc tố trong thuốc kích thích giá đỗ  ảnh 1

- Sau khi bắt giữ 80.000 ống thuốc nghi để kích thích giá đỗ, lực lượng chức năng Hà Nội  đã chuyển mẫu vật sang Cục BVTV để xét nghiệm, kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?

- Ông Nguyễn Xuân Hồng: Sau khi bắt giữ lô hàng, lực lượng chức năng đã đề nghị Cục BVTV phối hợp, giới thiệu đơn vị xét nghiệm có uy tín nhằm xét nghiệm 80.000 ống thuốc mà chủ hàng khai là thuốc kích thích giá đỗ thực chất có hoạt chất gì, độc hại ra sao. Chúng tôi đã giới thiệu gửi mẫu sang Trung tâm Kiểm định và Khảo kiểm nghiệm thuốc BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV) để đơn vị này xét nghiệm. 

Tuy nhiên, Trung tâm cho biết, sau khi thảo luận, phía trưng cầu xét nghiệm đã quyết định không thực hiện xét nghiệm mẫu vật nữa, mà chỉ thực hiện tiêu hủy lô thuốc bị bắt giữ và xử lý đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật về mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu.

-  Như vậy, người tiêu dùng không thể biết lô thuốc kích thích đó độc hại đến đâu?

- Lô thuốc bị thu giữ đã được xác định là thuốc nhập lậu và nằm ngoài danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam. Nhưng, hiện không có quy định pháp luật nào yêu cầu, khi bắt được thuốc BVTV nhập lậu thì buộc phải xét nghiệm xem thuốc đó có hoạt chất gì, độc hại hay không, cứ là hàng nhập lậu thì tiêu hủy...

Tôi cho rằng, sự lo lắng của người dân về tính độc hại của mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu đó là có lý. Vì vậy, nếu có điều kiện thì việc xét nghiệm để xác định mức độ độc hại của thuốc BVTV nhập lậu đó ra sao để công bố và cảnh báo cho người dân là điều rất cần thiết.

Năm 2012, Cục BVTV cũng đã từng chỉ đạo Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam xét nghiệm các mẫu thuốc kích thích giá đỗ nhập lậu phát hiện tại TP.HCM để xác định tính độc hại. 

Cần truy tìm độc tố trong thuốc kích thích giá đỗ  ảnh 2
Xác định mức độ độc hại của thuốc BVTV nhập lậu để công bố và cảnh báo
cho người dân là điều rất cần thiết

- Kết quả xét nghiệm thuốc tại phía Nam ra sao?

- Kiểm tra các mẫu thuốc kích thích giá đỗ nhập lậu thu được tại TP.HCM năm 2012 cho thấy, có tồn tại hàm lượng ở mức cao của hoạt chất Cytokinin (hàm lượng 28%). Hoạt chất này thực chất là một hormones thực vật có tác dụng kìm hãm sự ra rễ và kích thích phát triển thân, mầm. 

Ở Việt Nam, hoạt chất này nằm trong danh mục thuốc điều hòa và kích thích sinh trưởng được phép sử dụng, không phải là nhóm thuốc BVTV có tính độc nên nguy cơ tồn dư ảnh hưởng đến sức khỏe là rất thấp.

Tuy nhiên, do điều kiện phân tích có hạn nên ngoài hoạt chất Cytokinin, trong mẫu thuốc thu được còn có hoạt chất gì nữa, độc hại ra sao thì không thể biết được.

- Tại sao trong sự việc này, Cục BVTV không xử lý và xét nghiệm mẫu vật bị thu giữ?

- Ngành BVTV có chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV lưu hành trên thị trường, trong đó có thuốc BVTV nhập lậu, thuốc ngoài danh mục... Tuy nhiên, lực lượng đầu tiên bắt giữ, xử lý đối với lô hàng nhập lậu nói chung là công an, quản lý thị trường... 

Theo quy định, vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý một lần thì cơ quan chức năng khác không có thẩm quyền xử lý lần thứ hai. Vì vậy đối với việc xét nghiệm thuốc kích thích giá đỗ vừa bị thu giữ, chỉ khi nào lực lượng chức năng của Hà Nội (Công an, QLTT) có đề nghị và chi kinh phí cho việc xét nghiệm thì Cục BVTV mới xét nghiệm.

- Để xét nghiệm một loại thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xem độc hại ra sao có phức tạp?

- Thuốc BVTV nhập lậu nghĩa là ngoài danh mục, không đăng ký với cơ quan quản lý thuốc BVTV nên không thể biết thuốc đó gồm những hoạt chất gì, hoạt chất ấy độc hại ra sao. Nếu muốn biết thuốc nhập lậu đó có hoạt chất gì thì phải xét nghiệm toàn bộ danh mục các hoạt chất thuốc BVTV hiện hành.

Hiện nay, thế giới có tới hơn 1.200 hoạt chất thuốc BVTV, kinh phí để xét nghiệm từ 300-400.000 đồng/hoạt chất, rồi thời gian, công sức cũng rất lớn...