Cẩn trọng với sức khỏe ngày hè

ANTĐ - Không cứ mùa hè, mùa nào cũng đi kèm với những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Bởi vậy, có những thói quen vô tình ta cứ nghĩ là tốt hoặc “không việc gì” nhưng thực tế cần phải điều chỉnh để luôn giữ được sức khỏe tốt trong những ngày hè.

Bia giúp giải khát chứ không giải nhiệt. Mùa hè không gì tuyệt bằng trong lúc háo, các quý ông  được thưởng thức đồ uống có cồn mát lạnh. Tuy vậy, lượng rượu bia uống vào (kể cả cà phê) trong mùa nóng cần được hạn chế bởi chúng làm tăng nguy cơ mất nước. Cùng với kích thích thận, chất cồn đẩy nhanh quá trình trao đổi chất khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn, người uống cũng cảm thấy khô miệng hơn. Vì thế mà bia có thể giải khát nhưng không giải được nhiệt. 

Đừng chờ đến khi khát mới uống nước. Thời tiết nóng nực, cơ thể bị mất nhiều nước hơn, vì thế cần phải uống nước thường xuyên. Khát chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước, mà theo ngành y tế của Anh quốc tình trạng mất nước được ghi nhận khi nó dẫn đến giảm ít nhất 1% trọng lượng cơ thể. Nhưng trước khi cảm thấy khát, có thể người bị mất nước không để ý đến những triệu chứng đầu tiên bao gồm chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu và da khô. Người bình thường nên uống 2 lít nước mỗi ngày, nhưng với người phải hoạt động nhiều trong trời nóng, nhu cầu đó có thể tăng cao hơn. 

Hấp thụ ánh nắng mặt trời là con dao hai lưỡi. Những ai có làn da màu đồng bóng thường gây ấn tượng bởi sự khỏe khoắn, nhưng sự thật là quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể gây nguy hiểm. Cơ thể cần vitamin D trong ánh sáng mặt trời để giúp xương chắc khỏe nhưng tiếp xúc quá nhiều với tia tử ngoại có thể ức chế hệ miễn dịch khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật. Khi mà cơ chế miễn dịch của cơ thể giảm xuống, ánh sáng mặt trời cũng có thể phá vỡ các mạch máu, theo thời gian làm cho làn da thô ráp hay gây ra nếp nhăn.

Da sẫm màu vẫn cần kem chống nắng. Có người quan niệm là nếu có bôi kem chống nắng cũng không trắng hơn được vì da vốn đã sẫm màu, lại khó bắt nắng. Đúng là da sẫm màu tự nhiên khó bắt nắng nhưng không có biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến da bị lão hóa sớm. Khi ra trời nắng, nên dùng kem chống nắng đều đặn và sử dụng kem có thành phần SPF cao hơn ở phần mặt để bảo vệ da mặt mỏng manh.

Bơi xong cần bôi lại kem chống nắng. Thông thường, kem chống nắng chỉ có hiệu quả bảo vệ tối đa trong vòng 2 tiếng nếu đi trong nắng hè. Đổ mồ hôi hay bơi là nguyên nhân khiến cho lớp kem chống nắng bị trôi đi, trong khi thực sự khó có thể tin được vào chất lượng của những loại kem chống nắng không thấm nước. Vì vậy, sau khi bơi xong, nếu tiếp tục ra nắng thì bạn cần bôi lại kem chống nắng.

Kính đắt chưa chắc bảo vệ mắt tốt. Không phải tất cả kính râm có cùng một mức độ bảo vệ mắt trước các tia có hại của ánh nắng mặt trời. Khi mua kính, lưu ý các sản phẩm có thông số “UV400”, nghĩa là kính có khả năng chặn được gần như 100% bức xạ tia cực tím. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa giá cả với mức độ bảo vệ mắt vì kính đắt hơn thường là do thương hiệu, kiểu dáng.

Điều hòa không khí không phải là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều người vẫn cho rằng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào phòng có điều hòa nhiệt độ có thể khiến người ta bị bệnh nhưng thực tế, các chuyên gia khẳng định, điều này khó gây tổn hại cho sức khỏe. Đơn giản là không khí lạnh không tự nó là thủ phạm mà nguyên nhân gây bệnh thường là virus. Đặc biệt, trong môi trường sử dụng điều hòa, những người bị dị ứng có thể có nguy cơ cảm lạnh cao hơn nếu không khí trong phòng bị ô nhiễm hoặc không khí quá khô.