Cẩn trọng với phiếu giảm giá mua chung

(ANTĐ) - Mô hình mua phiếu giảm giá theo nhóm (voucher) qua mạng đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Không thể phủ nhận những lợi ích về nhiều mặt mà voucher đem lại cho người tiêu dùng. Thế nhưng, sau một thời gian phát triển, mô hình này cũng bắt đầu nảy sinh những vấn đề gây thiệt thòi cho người dùng.

Cẩn trọng với phiếu giảm giá mua chung

(ANTĐ) - Mô hình mua phiếu giảm giá theo nhóm (voucher) qua mạng đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Không thể phủ nhận những lợi ích về nhiều mặt mà voucher đem lại cho người tiêu dùng. Thế nhưng, sau một thời gian phát triển, mô hình này cũng bắt đầu nảy sinh những vấn đề gây thiệt thòi cho người dùng.

Muôn vẻ voucher

Theo những người có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm mua, sử dụng phiếu giảm giá: Khi chọn sử dụng phiếu giảm giá, người mua phải kiểm tra kỹ thông tin trên phiếu, kiểm tra chéo giữa nơi được khuyến mãi ghi trên phiếu giảm giá. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển quy mô một cách đại trà như hiện nay, nhiều người vẫn thiếu quan tâm tới việc kiểm tra này. Cũng chính bởi thế mà xảy ra rất nhiều trường hợp dở khóc dở cười giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như những công ty trung gian bán voucher đó.

Người tiêu dùng cẩn cảnh giác với phiếu voucher
Người tiêu dùng cẩn cảnh giác với phiếu voucher

Các dịch vụ chăm sóc da, làm đẹp rất được chị em quan tâm khi săn phiếu ưu đãi. Tuy nhiên, có trường hợp, mua xong cũng không dám nhận khuyến mãi. Chị Liên (Cầu Giấy) săn được phiếu trị mụn áp dụng tại một trung tâm spa. Trên phiếu ghi rõ, phiếu có giá trị 500.000 đồng cho một lần trị mụn. Giá một phiếu được rao bán là 115.000 đồng. Chị cẩn thận hỏi han kỹ về spa này cũng như những điều ghi trên phiếu. Sau khi xác nhận thông tin, chị mua thêm một phiếu và rủ người em dâu đi cùng.

Nhưng, khi đến nơi để được nhân viên của spa tư vấn, họ đưa ra một phác đồ điều trị mụn: Một lần trị mụn giá là 500.000 đồng, nhưng cả đợt gồm 9 lần hết 4.500.000 đồng. Và trung tâm sẽ không chịu trách nhiệm nếu hai chị chỉ làm một lần. Vì đã lỡ mời em dâu đi nên chị Liên đành nhường lại phiếu cho em dâu và đóng thêm 3.500.000 đồng để em dâu sử dụng cả đợt trị mụn. “Rẻ hơn ở đâu chưa thấy chỉ thấy mình như bị móc túi, mà người ta móc có bài bản chẳng biết kêu ai bây giờ” - chị Liên tâm sự.

Trường hợp như của chị Liên vẫn chưa là gì nếu so sánh với trường hợp dưới đây. Nhân dịp sinh nhật, Tuấn Anh hiện đang học Đại học Kinh tế Quốc dân quyết định mời cả nhóm bạn đi hát karaoke tại một quán trên phố Vọng vì vừa mua được một voucher siêu giảm giá ở đây. Phiếu có 66.000 đồng tương đương hát 2 tiếng trị giá hơn 300.000 đồng, trên phiếu có ghi thanh toán trong khoảng thời gian từ 8h đến 20h.

Tuấn Anh và nhóm bạn đến quán lúc 16h, sau khi hát khoảng 2 tiếng đứng lên thanh toán mới giật mình khi phiếu thanh toán ghi tới hơn 1 triệu. Khi hỏi về việc giảm giá, và đưa ra phiếu giảm giá, chủ quán và các nhân viên hùa vào nhau đổ lỗi cho bên phát hành voucher với lý do điều kiện quán đưa ra là phải hát trên 5 tiếng mới được giảm giá như vậy, nhưng người ta… quên không in lên phiếu. Sau đó để trấn an khách hàng, chủ quán quyết định giảm... 66.000 tiền mua voucher cho khách hàng.

Trách nhiệm thuộc về ai

Một chủ doanh nghiệp có liên kết với các website trong việc sử dụng voucher cho biết: “Lỗi đôi khi không chỉ từ phía người kinh doanh. Bởi ai kinh doanh cũng muốn giữ khách hàng, tất nhiên trừ những người kinh doanh mờ ám, trục lợi. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp người mua không chịu xem kỹ điều kiện trên voucher đã vội vàng mua rồi gây khó dễ cho những doanh nghiệp. Tôi từng chứng kiến cả đoàn người vào ăn uống rồi đòi dùng tất cả các voucher cho bữa ăn đó. Nhưng khi được giải thích chỉ được dùng tối đa 2 phiếu cho một bữa ăn thì cả đoàn người bắt đầu đập phá để… đòi công bằng”.

Theo thông tư 46 của Bộ Công thương về quy định quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, từ ngày 1-6 tất cả website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức trên phạm vi Việt Nam thiết lập để bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ đều phải đăng ký với Bộ Công thương. Các website đã đăng ký sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương.

Thông tư cũng quy định nhà kinh doanh phải công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong trường hợp việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà hợp đồng không xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên thì tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử chịu trách nhiệm. Hy vọng, thông tư này sẽ giúp những tranh chấp khi phát sinh được giải quyết một cách minh bạch và nhanh chóng, có lợi cho cả 2 phía.

Bằng Minh