Cẩn trọng với “kẹo thuốc lá”

(ANTĐ) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng có một thực trạng là tại không ít cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang bày bán lén lút nhiều loại bánh kẹo, đồ chơi có xuất xứ nước ngoài, có dấu hiệu độc hại và hình thức rất phản cảm, nguy hại đến nhận thức và sức khỏe  của trẻ em, đơn cử  loại “kẹo thuốc lá”.

Cẩn trọng với “kẹo thuốc lá”

(ANTĐ) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng có một thực trạng là tại không ít cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang bày bán lén lút nhiều loại bánh kẹo, đồ chơi có xuất xứ nước ngoài, có dấu hiệu độc hại và hình thức rất phản cảm, nguy hại đến nhận thức và sức khỏe  của trẻ em, đơn cử  loại “kẹo thuốc lá”.

Kẹo thuốc lá được ngụy trang giống như bao thuốc lá điếu được bày bán công khai

Kẹo thuốc lá được ngụy trang giống như bao thuốc lá điếu được bày bán công khai

Loại “kẹo thuốc lá” này  được nhập lậu qua đường biên giới Lạng Sơn cùng thời điểm “kẹo phát sáng” vào Việt Nam. Tuy nhiên do hình thức tinh vi, vỏ được “ngụy trang” giống bao thuốc lá, bên trong có 5 thanh kẹo giống như các điếu thuốc, mùi hắc, vị ngọt gắt... nên các ngành chức năng khó phát hiện. Trên vỏ kẹo ghi dòng chữ Smoke Candy 888 và các dòng chữ Trung Quốc, nhưng không hề ghi ngày, tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng và thành phần. Khi mới ăn kẹo có vị ngọt, khiến trẻ rất thích thú, nhưng càng nhai vị ngọt chuyển thành vị đắng, hắc.

Nếu ăn liên tục trong ngày, lưỡi có biểu hiển bỏng rộp, xuất hiện các nốt đỏ và ngứa... Trong nội thành Hà Nội, do các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra gắt gao, nên một số quán chỉ dám bán chui lủi và thường bán cho khách “quen”. Nhưng tại một số huyện ngoại thành như Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn... loại kẹo này được bày bán một cách công khai. Chỉ cần ghé vào cửa hàng bất kỳ khu vực xung quanh trường tiểu học hay THCS là dễ dàng có được “kẹo thuốc lá”.

Em Lê Văn Thành, trú tại huyện Quốc Oai cho biết: “Lúc đầu em tưởng là thuốc lá, nhưng thấy bạn bè ăn em cũng mua ăn thử. Càng ăn càng “nghiện”, vì nó có mùi gì đó hơi hắc, không ăn lại thấy thèm. Nhưng ăn được vài hôm lưỡi em bị rộp lên, nên mẹ em không cho ăn nữa”. Nhiều phụ huynh vì thương con, thấy con năn nỉ nên đành chiều theo ý con, mà bỏ qua việc tìm hiểu nguồn gốc, tác hại của nó. Chị Lê Thị Nụ, huyện Thường Tín nói: “Tôi cũng chẳng để ý nhãn mác là gì, thấy cháu nó hay đòi ăn kẹo này nên tôi hay mua cho nó”.

Hiện loại kẹo này vẫn đang trôi nổi trên thị trường, để tránh những hậu quả khôn lường xảy ra, đề nghị Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ nguồn gốc, mức độ độc hại của loại kẹo trên. Đồng thời các bậc phục huynh cần cẩn trọng hơn trong việc chọn mua bánh kẹo cho con, tránh “tiền mất... tật mang”.

Phạm Văn Tuấn