Cẩn trọng với chứng lãng tai

ANTĐ - Nếu thường xuyên phải bật to tiếng tivi hoặc cứ thấy mọi người xung quanh nói chuyện mà như thì thầm, hãy lưu ý: Nghe kém không chỉ là một phiền toái đi kèm với tuổi tác mà còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng hơn.

Cẩn trọng với chứng lãng tai  ảnh 1

4 nguy cơ đáng ngại

Nghe kém có thể là một nguy cơ cao của bệnh Alzheimer, đó là theo một nghiên cứu của Viện Lão khoa quốc gia Mỹ. Cụ thể, mỗi khi giảm thính lực 10 decibel, cơ hội mắc Alzheimer tăng 20%. Các chuyên gia tin rằng giảm thính lực là một kết quả của tổn thương thần kinh, tổn thương thần kinh trong tai có thể là một dấu hiệu của sự tổn thương ở những nơi khác, như não chẳng hạn.

Đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Gặp khó khăn khi nghe âm thanh tần số thấp có thể là một dấu hiệu chứng tỏ có vấn đề với tim. Tai trong được hình thành bởi rất nhiều mạch máu cực kỳ nhạy cảm, trên thực tế, bất kỳ thay đổi nào dẫn đến mất thính lực có thể là một dấu hiệu sớm của các vấn đề ở mạch máu lớn hơn, trong đó rất gần là bệnh tim mạch.

Giảm thính lực có thể dẫn đến trầm cảm. Các nhà nghiên cứu Italia đã phát hiện rằng người trong độ tuổi 35 đến 55 có các triệu chứng mất thính lực mức độ nhẹ có xu hướng căng thẳng về tâm lý. Và nó không dừng lại ở đó, một cuộc khảo sát từ 2.300 người trưởng thành trên 50 tuổi cho thấy, người nghe kém mà không được điều trị có thể cảm thấy chán nản, lo lắng, và cô độc. Những ảnh hưởng về mặt cảm xúc này rõ nhất ở chỗ, khi không thể nghe thấy, người ta có xu hướng cô lập bản thân hơn.

Nên làm xét nghiệm về ung thư. Kiểm tra y tế không chỉ giúp tìm ra vấn đề cốt yếu dẫn đến giảm thính lực mà còn có thể phát hiện khối u. Kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia về vấn đề này cho thấy, nhiều lần họ đã tìm thấy nốt ruồi có dấu hiệu khác lạ hoặc một dạng tiền ung thư da khu vực xung quanh tai.

3 lý do bất ngờ

Tắc tai: Thông thường phải mất vài năm ráy tai mới tích lũy đủ để cản trở khả năng nghe của chúng ta, nhưng chỉ cần giọt nước rơi vào khi tắm vòi sen, nó có thể khiến ráy tai phồng lên và tạo ra sự tắc nghẽn, gây đau, chóng mặt, khó nghe. Trường hợp này, mọi người có thể lo lắng vì đột nhiên điếc nhưng chỉ cần kiểm tra, lấy ráy tai ra là có thể nghe rõ ràng. Dù lấy ráy tai bằng phương pháp thủ công hay rửa tai, điều mà tài liệu y học khuyến cáo là không nên sử dụng tăm bông, vì vô tình đầu tăm bông đó có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn. Nhìn chung, ráy tai là sản phẩm tự nhiên để bảo vệ tai, nên không cần phải loại bỏ chúng hoàn toàn.

Dị ứng: Tình trạng xoang do cảm lạnh, viêm xoang, dị ứng có thể gây ra mất thính lực tạm thời khi vòi eustachian - kênh chịu trách nhiệm điều tiết áp lực tai nở ra, hút chất lỏng vào tai. Hiện tượng này nếu xảy ra theo các đợt lạnh định kỳ thì thực sự là vấn đề dị ứng. Xác định đúng nguyên nhân có thể giúp người bệnh cải thiện khả năng nghe cũng như tình trạng ngạt mũi, chảy mũi.

Aspirin: Aspirin liều cao (hơn 10 ngày) hoặc các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (800mg, 3 lần một ngày) có thể gây ra chứng ù tai - loại tiếng ồn gây khó chịu trong đầu mà có thể không có nguồn âm thanh bên ngoài. Tệ hơn nữa, NSAID cũng tạm thời vô hiệu hóa các tế bào lông bảo vệ ngoài tai, khiến cho con người ta dễ bị tổn thương hơn về mặt âm thanh. Để khắc phục, có thể hỏi bác sĩ về việc chuyển sang thuốc acetaminophen để không ảnh hưởng đến tai. Nói chung, chứng ù tai sẽ gần như ngừng lại ngay sau khi ngừng thuốc.