Cẩn trọng trước ‘bẫy lừa’ du lịch mùa cao điểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 tới đây, người lao động được nghỉ 5 ngày - đợt nghỉ dài nhất trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán, cũng là bắt đầu cao điểm du lịch. Đây cũng là thời điểm những cạm bẫy du lịch được tội phạm lừa đảo giăng ra…

Thủ đoạn nổi bật nhất là các đối tượng là tạo ra các trang fanpage “mạo danh” khách sạn, nhà nghỉ, resort để chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc tiền phí dịch vụ của người dân. Cụ thể, các đối tượng sử dụng trang Facebook có giao diện gần giống với trang web, fanpage của khách sạn, resort, homestay.

Đã có du khách bị mất từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng khi đặt phòng qua các trang fanpage giả mạo, điển hình như vụ việc xảy ra vào hồi tháng 2 vừa qua tại một khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...

Du khách đã mất tiền tỷ vì đặt phòng nhầm trang fanpage giả mạo

Du khách đã mất tiền tỷ vì đặt phòng nhầm trang fanpage giả mạo

Kẻ lừa đảo tinh vi sao chép y hệt thông tin của các nhà nghỉ, khách sạn, resort nổi tiếng, từ logo thương hiệu, hình ảnh quảng cáo chuyên nghiệp cho đến giao diện trang web. Thậm chí một số trang fanpage còn được Facebook cấp tích xanh khiến nạn nhân dễ rơi vào bẫy mà không hề biết.

Để tăng “uy tín”, các đối tượng còn chạy quảng cáo trang Facebook với hàng chục nghìn lượt theo dõi, có cả số điện thoại hotline để liên hệ, tư vấn, tạo các bình luận “ảo” khen ngợi các trang Facebook "mạo danh", tự đưa ra các chương trình khuyến mại với mức giá hấp dẫn.

Người dân cần cảnh giác với những "bẫy lừa" du lịch khi bắt đầu mùa cao điểm

Người dân cần cảnh giác với những "bẫy lừa" du lịch khi bắt đầu mùa cao điểm

Với chiêu trò tinh vi, các đối tượng lừa đảo tung ra những ưu đãi hấp dẫn, quảng cáo mức giá tốt, kèm theo khuyến mãi cực “khủng” khi đặt phòng online. Khi phát hiện khách hàng có dấu hiệu “lung lay”, chúng đánh vào tâm lý “cao điểm sẽ không còn phòng tốt, khó giữ phòng”, yêu cầu khách chuyển khoản ngay. Không ít người chỉ phát hiện bị lừa khi đến nơi, hoặc bị dụ chuyển thêm tiền nhiều lần với lý do sửa lỗi giao dịch, cuối cùng mất trắng...

Vậy, làm sao để tránh bẫy lừa đảo khi đặt phòng? Cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên đặt phòng qua mạng xã hội, nên gọi trực tiếp đến khách sạn để xác nhận, đừng vội tin vào số điện thoại trên fanpage, hãy kiểm tra trên website chính thức. Các website tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật.

Tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn bạn muốn đặt thông qua các trang như TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín thường có những đánh giá chi tiết của du khách trước đó.

Chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ. Có thể thông qua bạn bè, người thân đang sinh sống tại các khu vực dự kiến du lịch để lấy thông tin liên hệ với khách sạn, nhà nghỉ chính xác nhất.

Không chuyển khoản 100% khi chưa xác thực, nếu cần đặt cọc hãy yêu cầu hợp đồng hoặc hóa đơn xác nhận; cảnh giác khi giá quá rẻ, cần đặt dấu hỏi lớn khi một resort 5 sao nhưng giá chỉ bằng homestay bình dân; kiểm tra kỹ tài khoản nhận tiền, nếu tài khoản mang tên cá nhân hoặc không trùng với tên khách sạn hãy dừng giao dịch ngay.

“Người dân không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do như sai cú pháp nhắn tin, bị treo tiền trên hệ thống; không tải xuống các ứng dụng lạ hay ấn vào các đường link không xác định từ bên thứ ba; chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín, nếu mua combo du lịch trên mạng xã hội, cần lựa chọn những người quen biết, tin tưởng hoặc đã từng sử dụng dịch vụ” - cơ quan công an khuyến cáo.