Cẩn trọng khi trẻ tiếp xúc với sản phẩm công nghệ cao

(ANTĐ) - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc trẻ em sớm được tiếp xúc với những loại hình công nghệ cao đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, xung quanh việc nên cho trẻ tiếp xúc ở thời điểm nào và cách thức tiếp xúc ra sao đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều bậc phụ huynh. Bởi nếu không có sự giám sát vô tình sẽ tạo ra sự tổn thương đồng thời tác động đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ…
Cẩn trọng khi trẻ tiếp xúc với sản phẩm công nghệ cao ảnh 1
Ảnh minh hoạ
Trên một số diễn đàn làm cha mẹ hiện nay dễ nhận thấy những lời tâm sự của các bậc cha mẹ trẻ than phiền về việc con cái không chịu ăn uống, học bài, khóc lóc, quậy phá… chỉ vì không được chơi những đồ chơi mà chúng yêu thích như: máy tính bảng Ipad, điện thoại Iphone, laptop, máy chơi game… Ban đầu chỉ xuất phát từ việc các vị phụ huynh do bận công việc không có thời gian chơi với con hoặc muốn trẻ nghe lời nên đã mang những “đồ chơi” của người lớn ra để dụ trẻ, còn mình rảnh tay làm chuyện khác hay xem đó như là phương tiện để dụ bé ăn nhanh. Thế nhưng, lâu dần sự chủ quan này vô tình đã dẫn đến việc hình thành những thói quen và có những tác động xấu đến trẻ nhỏ. Trước hết, việc tiếp xúc quá sớm với những sản phẩm công nghệ cao sẽ ảnh hưởng đến thị lực (khả năng nhìn và khả năng chú ý) của trẻ. Hơn nữa, khi trẻ đã quen với những chuyển động nhanh trên những sản phẩm công nghệ thì những món đồ chơi bất động (dù tốt cho sự phát triển của trẻ) sẽ không còn thu hút được trẻ nữa. Thậm chí nếu sử dụng những “đồ chơi” người lớn này nhiều lần trong ngày (đặc biệt là vừa ăn vừa chơi, vừa xem) thì trẻ sẽ mất khả năng tương tác với người khác và cả khả năng tương tác với đồ chơi (trẻ sẽ không còn hứng thú để phát triển trí tưởng tượng) điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong trường hợp bố mẹ không đủ sức để “dừng” đứa trẻ sau khi nó đã dính vào máy tính thì hậu quả sẽ tệ hại hơn vì khả năng lệ thuộc vào máy tính sẽ nhanh chóng được hình thành và kéo dài liên tục cho đến khi trẻ bước vào tiểu học hoặc xa hơn. Tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể, song tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp được cha mẹ đưa đến khám tâm lý vì những biểu hiện chậm nói, tự kỷ, chán ăn, hiếu động, kém tập trung, nghiện game, chat và khó khăn trong học tập… xuất phát từ việc chúng tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ và Internet từ quá sớm. Việc cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ cao tuy giúp cho các em có một số nhận thức về hình ảnh và sự liên tưởng (bấm vào dấu hiệu này sẽ xuất hiện ra một hình ảnh hay hoạt động nào đó) nhưng lại có nhiều tác hại nếu bố, mẹ không đủ sức dừng hay kéo trẻ ra khỏi sức hấp dẫn của những sản phẩm này. Do đó việc cho trẻ nghịch máy vi tính và chơi game phụ thuộc vào nhận thức và trình độ quản lý của bố mẹ. Các bậc cha mẹ trẻ nếu xem máy vi tính là một thứ đồ chơi thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong một thời gian ngắn, chủ yếu là giúp trẻ biết bấm nút (một vận động tĩnh) và khả năng tư duy logic (bấm vào cái này sẽ xuất hiện cái kia), biết thêm một số hình ảnh… Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia, để việc sử dụng máy tính có ích cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý chọn những chương trình có tính giáo dục, không bạo lực. Trong gia đình, máy tính cho trẻ nên để ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát, không nên trang bị laptop hoặc để máy tính trong phòng riêng của trẻ dưới 14 tuổi. Ngoài thời gian xem truyền hình, trò chơi điện tử, video, Internet, phụ huynh nên khuyến khích trẻ đọc sách, khám phá môi trường tự nhiên, chơi thể thao, nghe nhạc, sinh hoạt hội họa, thủ công, lắp ráp với những trò chơi để phát huy tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Các vị phụ huynh cũng nên dành thời gian trò chuyện và lắng nghe cảm xúc của trẻ. Nếu cha mẹ biết cách sử dụng vi tính, cần thường xuyên kiểm tra các chương trình mà con em mình đã sử dụng, nếu không cần đặt mật khẩu và chỉ cho các em sử dụng Internet khi được phép.