Cẩn trọng khi mua phụ tùng ôtô

(ANTĐ) - Theo xu hướng phát triển của xã hội, ở những thành phố lớn hiện nay, số người sở hữu ôtô riêng, lẫn lưu lượng ôtô tham gia giao thông ngày một tăng theo cấp số nhân. Như một nguyên lý hiển nhiên đi kèm, khi “cầu” cần thì “cung” ắt sẽ có đã tạo nên một thị trường nhộn nhịp việc buôn bán, cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô. Và theo nhận định của người trong giới này truyền miệng nhau là “kiếm ăn” được…

Cẩn trọng khi mua phụ tùng ôtô

(ANTĐ) - Theo xu hướng phát triển của xã hội, ở những thành phố lớn hiện nay, số người sở hữu ôtô riêng, lẫn lưu lượng ôtô tham gia giao thông ngày một tăng theo cấp số nhân. Như một nguyên lý hiển nhiên đi kèm, khi “cầu” cần thì “cung” ắt sẽ có đã tạo nên một thị trường nhộn nhịp việc buôn bán, cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô. Và theo nhận định của người trong giới này truyền miệng nhau là “kiếm ăn” được…

Ôtô hỏng hóc luôn có rất nhiều loại phụ tùng thay thế trên thị trường
Ôtô hỏng hóc luôn có rất nhiều loại phụ tùng thay thế
trên thị trường

Theo phân tích của ông Phạm Thái Dương, một người hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô ở phố Bà Triệu thì, thị trường buôn bán, cung cấp phụ tùng, thiết bị ôtô đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Và thị trường phụ tùng ôtô cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay có nhiều loại khác nhau, xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau với giá cả chênh lệch tới khác biệt. Đầu tiên phải kể đến phụ tùng chính hãng để phục vụ người tiêu dùng mua xe của hãng.

Tiếp đến là phụ tùng và linh kiện OEM - Đây là sản phẩm chi tiết của nhà cung cấp cho một hãng xe được bán ra ngoài thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Các nhà sản xuất xe hơi thường không sản xuất toàn bộ phụ tùng cho xe của họ. Đa phần các nhà sản xuất dùng phụ tùng của các nhà cung cấp - do nhà cung cấp thiết kế và sản xuất - đóng vào bao bì riêng với logo hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất xe hơi để người dùng tin rằng họ đang mua sản phẩm chính hãng. Nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp có những điều kiện riêng ràng buộc nhau để nhà cung cấp sau một thời gian nhất định có thể sản xuất và bán lẻ phụ tùng ra thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp.

Loại phụ tùng này không phải là hàng thứ cấp, chất lượng kém với bao bì khác, mà hoàn toàn giống với phụ tùng trên xe của nhà sản xuất nhưng bán với giá rẻ hơn thông thường khoảng 70%. Một loại phụ tùng nữa nhưng trái ngược hoàn toàn với OEM là Aftermarket - Loại phụ tùng này do các công ty ngoài - không phải là nhà cung cấp chính hãng - sản xuất đồ thay thế cho một loại sản phẩm, một mác xe nhưng không liên quan đến nhà sản xuất.

Thông thường loại đồ này cũng được sản xuất trên các loại máy gia công chính xác với vật liệu giống như đồ chính hãng. Nhưng đôi khi hình thức của loại phụ tùng này không nhất thiết phải giống hệt đồ chính hãng vì các công ty sản xuất phụ tùng ngoài không theo thiết kế của nhà cung cấp. Một số công ty ngoài việc nhượng quyền sản xuất phụ tùng thay thế còn có thiết kế riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này khiến các sản phẩm “Aftermarket” nhiều khi có chất lượng tốt hơn đồ chính hãng nhưng lại có giá rẻ hơn. Đương nhiên không thể không nhắc đến loại phụ tùng đã qua sử dụng (secondhand); cuối cùng là phụ tùng… “nhái”.

Thế mới biết, bên cạnh sự phát triển mạnh của thị trường phụ tùng ôtô theo tính quy luật, thì người tiêu dùng cũng rất dễ bị “đối tác” hoặc “người cung ứng” lừa gạt về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đến giá thành của sản phẩm. Hiện nay, phần lớn nguồn phụ tùng đang bán trên thị trường vẫn chủ yếu được nhập về từ thị trường thứ 3, thứ 4 như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Bên cạnh đó là nguồn cung ứng các loại phụ tùng là hàng bãi nhập về từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ - các quốc gia có nhiều loại xe lưu hành tại Việt Nam.

Đa số đều là những phụ tùng được tháo rời từ các loại xe đã qua sử dụng nhập về với giá rẻ, sau đó được các thợ tháo ra sửa lại những bộ phận hư hỏng, gia công tút tát lại. Phụ tùng gì cũng có, tùy loại xe, đời xe, chất lượng đến giá thành, nhiều nhất vẫn là các bộ đèn, bộ đề, còi, mâm đúc, cản bảo vệ, bộ điện, nội thất trang trí, lốc điều hòa… Phụ tùng cung ứng trong nước có nhưng không nhiều, chủ yếu là hàng gia công giá rẻ được sản xuất tại TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, mỗi cửa hàng cung cấp, buôn bán hay thay thế phụ tùng ôtô thường tuyển các thợ chuyên lắp ráp, tân trang, thậm chí cả tư vấn cho khách hàng. Đối với những thợ tay nghề cao, họ còn “kiêm” thêm một nhiệm vụ là “luộc” đồ cũ, tân trang lại để chủ bán với giá cao kiếm lời.

Cùng trong giới, thường không lạ gì những mánh khóe của nhau, nên họ thường liên kết để cùng kiếm lời bằng cách, khi khách hàng có nhu cầu thay thế phụ tùng, nếu garage này không có, các thợ của các garage này sẽ đến tìm mua các phụ tùng thay thế của garage khác đã được liên kết, sự phối hợp này dễ dàng cho việc kiếm lời và có nhiều lựa chọn khi cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Cường, Công ty Quý Hạnh cho biết, người tiêu dùng rất khó phân biệt bằng mắt thường đâu là phụ tùng chính hãng, phụ tùng thay thế hay phụ tùng “nhái” nếu họ không phải là người có kinh nghiệm sử dụng. Đa phần họ tin và nghe theo lời tư vấn của thợ, sẽ dẫn đến việc mua nhầm, bỏ chi phí rất cao mà chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Vì vậy, người tiêu dùng trước khi mua cần phải nắm rõ thị trường gồm có những chủng loại, chất lượng phụ tùng như thế nào để có sự lựa chọn phù hợp, tránh rủi ro; nên chọn những cơ sở, garage đáng tin cậy. Đặc biệt, khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn đồ thay thế cho xe nếu biết rõ thương hiệu của nhà cung cấp hay các công ty cung cấp phụ tùng thay thế có uy tín. Và một lưu ý nhỏ, mua đồ chính hãng không có nghĩa có được sản phẩm tốt hơn; cùng chất lượng đó nhưng sản phẩm như OEM, Aftermarket lại có giá rẻ hơn nhiều…                  

Hồng Hạnh