Cẩn trọng khi kích cầu

ANTĐ - Tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm nay rơi xuống đáy so với 10 năm trước, được một số chuyên gia coi là chạm đáy của mô hình tăng trưởng chữ U. Mặc dù còn không ít khó khăn cả ở đầu vào và đầu ra, nhưng với những chính sách và giải pháp đang được thực thi, Bộ Kế hoạch-Đầu tư ước tính 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6% và có khả năng đạt được mục tiêu cả năm tăng 5,5%. Liệu đây có phải là yếu tố khẳng định kinh tế đã thoát đáy thực sự và phục hồi tăng trưởng từ năm 2014?

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, nửa cuối năm nay, nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, lạm phát có thể tăng cao bất thường, nếu giá điện, xăng dầu, gas và các dịch vụ thiết yếu tăng trong những tháng tới. Vấn đề đặt ra là nếu xuất khẩu giảm trong 6 tháng cuối năm và tăng thấp trong năm 2014; nếu nhập siêu tăng mạnh trở lại, trong khi đó, tiêu thụ trong nước, bao gồm cả vốn đầu tư phát triển xã hội và tổng mức bán lẻ vẫn “co” lại, thì tăng trưởng kinh tế khó phục hồi.

Tại cuộc hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam năm 2013”, một số ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá. Giá thực phẩm cũng có khả năng tăng lên do nguồn cung có xu hướng giảm vì chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Nếu các mặt hàng này tăng giá, tất yếu sẽ kéo mặt bằng giá cả tăng lên và diễn biến phức tạp. Dưới góc độ tài chính, ngân hàng, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, không nên đưa ra một chính sách kích cầu ồ ạt như năm 2009.

Việc thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt những giải pháp liên quan tới Nghị quyết 02 của Chính phủ là việc cần làm. Đặc biệt, triển khai các chính sách như miễn, giãn, giảm thuế; tăng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời thúc đẩy mạnh hơn nữa gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp có thể mua nhà ở xã hội… chắc chắn sẽ “kích hoạt” kinh tế những tháng cuối năm. Vậy những yếu tố nào làm cho lạm phát tăng cao trở lại? Đó là việc nới lỏng tài khóa, tiền tệ để tăng trưởng cao hơn; nhiều khoản chi phí bỏ ra để giải quyết những điểm nghẽn lớn của nền kinh tế, để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, yếu tố cơ bản của lạm phát là sản xuất chưa đáp ứng được tích lũy và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn mất cân đối khi nhập siêu gia tăng. Yếu tố tiềm ẩn và nguyên nhân sâu xa của lạm phát chính là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp.

Nền kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Do vậy, để đạt được mức tăng trưởng GDP 5,5% năm 2013, theo giới chuyên gia kinh tế, cần có những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh. Song cũng cần cẩn trọng với các biện pháp kích cầu khi kinh tế còn nhiều khó khăn.