Cẩn trọng khi cho con du học quá sớm

ANTĐ - Không chờ đến bậc đại học, xu hướng du học ngay từ phổ thông đang thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần hội tụ nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn giản là đầu tư tiếng Anh cho con từ nhỏ.

Cẩn trọng khi cho con du học quá sớm ảnh 1 Nhiều phụ huynh đắn đo khi cho con du học từ bậc phổ thông 

Kỹ năng quan trọng hơn điểm số 

Thông tin từ các công ty tư vấn du học cho thấy, hiện nay, du học bậc phổ thông tại các nước Úc, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand và Singapore  đang được phụ huynh học sinh quan tâm. Theo chuyên gia của Công ty Đức Anh, học sinh du học từ bậc phổ thông hòa nhập nhanh trong môi trường mới, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, con người đất nước mình theo học. Các em cũng tự tin, thành công hơn ở bậc đại học cũng như trong sự nghiệp.

Với yêu cầu chung về tiếng Anh ở bậc phổ thông tương đương 5.5 IELTS, nhiều phụ huynh đã phải đầu tư cho con học tiếng Anh từ tiểu học. “Sẽ là sai lầm nếu chỉ trông chờ vào các chứng chỉ. Tiếng Anh để du học không chỉ là các khóa học thuật mà phải đủ để giải quyết những vấn đề thông thường, nghe và viết hiệu quả” – ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Eton Grammar School phân tích.

“Trưng ra điểm số cao không có nghĩa là giỏi tiếng Anh. Thực tế du học đòi hỏi khả năng nghe, hiểu thấu đáo, tận tường những gì giáo viên nói, chứ không phải chỉ là luyện TOEFL hay IELTS. Một người Mỹ nói tiếng Anh cũng có thể trượt các chứng chỉ này” – ông Nguyễn Tuấn Hải khẳng định.

Ngoài ra, tiếng Anh cũng không phải điều kiện duy nhất để quyết định cho một học sinh đi du học. Việc chuẩn bị các khâu tài chính, hồ sơ xin học, tìm hiểu trường phù hợp… cũng rất quan trọng. Câu hỏi đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần đặt ra là con mình đã sẵn sàng du học hay chưa.

Khi nào con sẵn sàng du học?

Ở độ tuổi phổ thông, nhiều bậc cha mẹ vẫn có thói quen bao bọc con quá kỹ lưỡng, chủ yếu chỉ yêu cầu con tập trung vào học tập, dẫn tới tình trạng các em không có thói quen tự lập, thiếu kỹ năng giao tiếp… Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, học sinh đi du học phải có khoảng 15 mục phát triển cá nhân và học thuật để chuẩn bị cho hồ sơ đăng ký.

“Phụ huynh nên biết điểm mạnh của con mình là gì và các em cũng phải biết thể hiện niềm đam mê của mình. Các trường nước ngoài có thể nắm được thông tin này qua bài luận cá nhân, họ sẽ tìm mọi cách tìm hiểu xem học sinh nuôi dưỡng đam mê đó như thế nào, theo đuổi nó ra sao…” – ông Hải phân tích. “Vấn đề là học sinh Việt Nam không có được sự khuyến khích cần thiết từ bố mẹ, nhà trường để xây dựng cho mình một phong cách, thói quen tự chủ. Nhiều bậc phụ huynh còn bắt con mình từ bỏ đam mê, không được “vượt khung”, chỉ để tập trung vào việc học ở trường” - ông Hải nói. 

Nhiều phụ huynh cho rằng, để có một hồ sơ đẹp đi du học, các công ty tư vấn sẽ có trách nhiệm “đánh bóng”. Tuy nhiên, thực chất, tất cả các kỹ năng, lối sống của học sinh lại quan trọng không kém kiến thức học tập nếu muốn thích nghi với môi trường hoàn toàn mới. Các hoạt động xã hội không chỉ để cho hồ sơ đẹp mà thực sự cần thiết để học sinh phát triển kỹ năng sống, đồng thời hoàn thiện tư duy, tính cách, trách nhiệm cộng đồng. “Câu hỏi mà tôi vẫn thường đặt ra là liệu con có quay trở về sau khi học xong?” – chị Nguyễn Châu Anh, phụ huynh học sinh trường Olympia chia sẻ.

Đây cũng là vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu khi cho con đi du học quá sớm. Các chuyên gia cũng không thể trả lời câu hỏi này. Phụ huynh phải tự đánh giá mối quan hệ gia đình đã đủ khăng khít, bền chặt chưa trước khi “thả” cho con tiếp thu kiến thức, văn hóa, lối sống nước ngoài từ bậc phổ thông.

Bên cạnh đó, khi muốn cho con đi du học, đầu tiên, các gia đình phải xác định nguồn kinh phí đầu tư lâu dài. “Không phải học sinh nào cũng thích hợp với du học. Đặc biệt là những em chưa được xây dựng thói quen, ý thức tự lập. Cách tốt nhất để biết là cho con tham gia một khóa du học ngắn ngày để các em có thể tự trải nghiệm và có động lực tự thân trong việc có đi du học hay không” – Giám đốc Công ty Sunrise Việt Nam cho biết.