Cẩn trọng để không "đứt gánh giữa đường"

(ANTĐ) - Ông Martin Rama (ảnh), Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nếu thực hiện quá nhiều dự án cần nhiều vốn mà không huy động được thì đây sẽ là cản trở khi dự án đã đến nửa chừng hay bước chân vào giai đoạn thực hiện.

Thực hiện các siêu dự án:

Cẩn trọng để không "đứt gánh giữa đường"

(ANTĐ) - Ông Martin Rama (ảnh), Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nếu thực hiện quá nhiều dự án cần nhiều vốn mà không huy động được thì đây sẽ là cản trở khi dự án đã đến nửa chừng hay bước chân vào giai đoạn thực hiện.

- PV: Việt Nam đang có chủ trương thực hiện các siêu dự án đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. WB có khuyến cáo gì khi thực hiện các siêu dự án này?

- Trước đây Nhật Bản là một trong những quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Đến nay Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng do Nhật Bản tham gia vào xây dựng và tài trợ. Nhưng nguồn vay lớn thì vẫn là của WB. Chúng ta đang nói đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế và các siêu dự án này sẽ là những vấn đề chính Việt Nam sẽ phải xem xét. Việt Nam đang có tư duy lớn và có những ưu thế nhưng cũng có những rủi ro.

Việt Nam đang tập trung nhiều vào tăng trưởng kinh tế đối với các doanh nghiệp lớn để có thể tạo nên các “người chơi” có sức mạnh lớn. Nhưng để làm được điều đó cần thận trọng, tránh việc phát triển kiểu trèo quá cao. Khi đó chúng ta có thể rơi nhanh. Chúng ta hãy hình dung như một cầu thủ hay vận động viên đã đạt đến đỉnh cao thì phải cố gắng rất nhiều và phải cố gắng nhiều hơn nữa để giữ vị trí hàng đầu này.

Tôi cho rằng Việt Nam phải cân nhắc các điều kiện sẵn có của mình thông qua thực hiện các siêu dự án lớn như vậy. Khi thực hiện các dự án lớn chúng ta không thể biết chính xác diễn biến ra sao.

Đối với các dự án lớn ở châu Âu thì người ta có thể tính toán một cách rõ ràng hơn. Còn ở Việt Nam thì khó do Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào nguồn huy động vốn. Nếu cứ làm quá nhiều dự án cần nhiều vốn mà không huy động được thì đây sẽ là yếu tố cản trở khi dự án đã đến nửa chừng hay bước chân vào giai đoạn thực hiện. Đây là những vấn đề cần cân nhắc.

- PV: Dường như IMF và WB không cho phép dùng vốn vay ODA để làm đường sắt cao tốc vì hiệu quả thu hồi vốn thấp?

- Khi triển khai dự án đường sắt cao tốc không có nghĩa chúng ta đã tối ưu hóa được quá trình vận chuyển, vận tải, đi lại. Cho nên khi làm các dự án này cần cân nhắc nhiều hơn đến các vấn đề tổng thể. Khi có tàu tốc độ cao, không có nghĩa chúng ta giải quyết được tắc nghẽn ở những vùng có mật độ dân cư tập trung cao.

Còn khoản nợ vay tới 56 tỷ USD khi triển khai Dự án tàu cao tốc Bắc Nam thì cần xem xét tới yếu tố tăng trưởng GDP ở mức thế nào, các dòng tiền, việc trả nợ ra sao để tránh tình trạng phải chịu khoản nợ khổng lồ ngay lập tức. Khi đó sẽ rất khó để thúc đẩy kinh tế về sau này. Đương nhiên không có câu trả lời dễ dàng ngay lập tức cho vấn đề này.

- PV: WB có tham gia vào dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam và chính sách cho vay với dự án này sẽ thế nào?

- Với dự án đường sắt cao tốc, chúng tôi không đưa ra chính sách về tài trợ gì cả. Hiện chúng tôi cũng quan tâm về chủ đề này và thường xuyên theo dõi các thông tin về dự án. Về cơ bản chúng tôi không tham gia vào dự án xây dựng đường sắt cao tốc này.

- Cảm ơn ông!

Anh Tú (Ghi)