Cần trị thẳng tay nạn trục lợi bảo hiểm y tế

ANTD.VN - Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo song tình trạng trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến tinh vi hơn. Tính đến giữa tháng 8-2016, Quỹ BHYT đã bội chi trên 3.400 tỷ đồng; chi từ Quỹ BHYT cho khám chữa bệnh cũng tăng vọt lên 40%, nguy cơ vỡ quỹ đã hiển hiện.

Cần trị thẳng tay nạn trục lợi bảo hiểm y tế ảnh 1

Cần tăng cường giám định BHYT để hạn chế tình trạng trục lợi quỹ

Cấp bánh mỳ kẹp thịt miễn phí để... hút bệnh nhân

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa được công bố cho thấy, có tới  37 tỉnh/ thành phố có số chi cho khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT vượt tổng quỹ được giao, với số tiền bội chi lên đến gần 3.404 tỷ đồng. Cùng đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT vẫn đang diễn ra một cách tinh vi, tạo ra những khoản chi bất hợp lý lên đến hàng nghìn tỷ đồng…

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng: Qua kiểm tra, cơ quan BHXH Việt Nam đã phát hiện có bệnh nhân một tháng đi khám bệnh tới 27 lần. Có địa phương qua kiểm tra phát hiện trường hợp bệnh nhân khám ngày 2-3 lần trong cùng 1 bệnh viện huyện để lấy thuốc rồi bán lại cho hiệu thuốc. Nhức nhối nhất là tại các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí, một số phòng khám tư còn nghĩ ra “chiêu” mua bánh mỳ kẹp thịt phát miễn phí cho bệnh nhân, tặng quà khuyến mãi, tặng vé xe ô tô đưa đón để hút bệnh nhân BHYT tới cơ sở mình.

Qua kiểm tra, có những cơ sở y tế 100% bệnh nhân khi tới khám, điều trị đều được chỉ định nội soi tai mũi họng, mặc dù nhiều trường hợp không cần thiết. Nhiều bệnh viện còn “câu kết” với người bệnh để lập bệnh án khống, làm đơn thuốc giả nhằm rút tiền từ Quỹ BHYT.

“Có những hồ sơ bệnh án, đọc mà thấy “thương” cho cái đầu gối của người bệnh, khi chỉ trong 1 ngày phải chịu can thiệp tới… 6, 7 thủ thuật!” - ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội nêu ví dụ từ thực tiễn kiểm tra trên địa bàn.

Đặc biệt, lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT được áp dụng từ đầu năm nay, nhiều bệnh viện đã nghĩ cách trục lợi từ Quỹ BHYT hàng chục tỷ đồng. Điển hình, tại tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q. từ đầu năm đến nay có mức tăng lượt khám chữa bệnh nội trú lên 135%, với mức chi phí tăng đến 1.237% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Thân Đức Lại cho biết, một trong những chiêu trò mà cơ sở này sử dụng là tổ chức các đoàn khám chữa bệnh lưu động đến từng xã khuyến khích người dân đến khám. Với quy mô 5.993 đầu thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, qua 6 tháng đầu năm nay, cơ sở này có số tiền vượt quỹ sau khi trừ tăng giá dịch vụ y tế lên tới hơn 3,38 tỷ đồng…

Kiên quyết từ chối thanh toán

Trước tình trạng bội chi khiến nguy cơ vỡ Quỹ BHXH bị đe dọa, ngành BHXH cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu là cần kiểm soát chặt chi phí khám chữa bệnh BHYT; rà soát và kiên quyết từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT.

Điển hình như vụ việc Phòng khám đa khoa Phương Nam (Cà Mau), chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã bị BHXH tỉnh Cà Mau từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 71 tỷ đồng do có dấu hiệu lạm dụng khám chữa bệnh BHYT để trục lợi quỹ. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết thêm, BHXH Việt Nam đã tăng cường nhân lực giám định BHYT để phát hiện kịp thời, ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHYT.  

Tính riêng trong năm 2015, BHXH đã từ chối thanh toán 1.163 tỷ đồng cho các cơ sở cung cấp dịch vụ do áp giá sai, chẩn đoán không hợp lý, đồng thời thu hồi gần 40 tỷ đồng thanh toán sai quy định.