Cần trần lãi suất khác

ANTĐ - Tại cuộc họp báo cách đây chưa lâu do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tình trạng huy động vượt trần vẫn tồn tại nhưng hình thức rất tinh vi và khó phát hiện. Các ngân hàng đều biết cái giá phải trả khi bị phát hiện huy động vượt trần, nhưng vì đâu tình trạng này vẫn diễn ra?

Khi thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn thì cũng là lúc thông tin về các ngân hàng vượt trần được nhắc đến nhiều hơn. Thiếu thanh khoản được xem là lý do các ngân hàng huy động bằng mọi giá. Tuy nhiên tới thời điểm này vẫn còn ngân hàng vượt trần mặc dù thanh khoản đã được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau quyết định phân nhóm tín dụng, không ít ngân hàng gặp khó khăn do không huy động được vì với cùng một mức lãi suất khách hàng sẽ lựa chọn những ngân hàng lớn, có uy tín. 

Trong khi đó một số ngân hàng lớn cũng khó nằm ngoài cuộc chơi khi nhìn khách hàng của mình ôm tiền sang nơi có lãi suất cao hơn để gửi. Vòng luẩn quẩn này được hình thành và nếu không có một chế tài đủ mạnh cũng như cơ chế giám sát chặt chẽ thì trên bề mặt của thị trường huy động yên ả mà phía dưới lại chứa đựng những con sóng ngầm cho cuộc đua lãi suất, nhất là khi lạm phát có nguy cơ tăng trở lại thì khả năng bùng phát cuộc đua này càng lớn.

Việc chấm dứt áp dụng trần lãi suất huy động cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc. Nhưng ở thời điểm này sự quan tâm lớn của người dân cũng như doanh nghiệp không chỉ nằm ở phía lãi suất huy động mà đang nằm ở cả đầu ra của ngân hàng. Tạm bỏ qua tình trạng vượt trần nhiều người đặt ra câu hỏi: Trong khi lãi suất huy động đã có một mức trần và trần này đã được hạ xuống theo quý, thì mong mỏi có một trần lãi suất cho vay của doanh nghiệp phải chăng là điều không tưởng? Có ý kiến cho rằng, lãi suất huy động giảm chỉ làm lợi cho các ngân hàng vì khó giám sát việc giảm lãi suất cho vay. Vấn đề hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp lại phải đặt lên bàn để tiếp tục đánh giá, nhất là khi số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều.