Ý kiến về đề xuất tịch thu phương tiện…

Cần thiết phải áp dụng chế tài nặng hơn

ANTĐ - Đó là nhìn nhận của Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng - Tòa án nhân dân TP Hà Nội xung quanh đề xuất tăng nặng mức xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia quá mức quy định cho phép vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia trình Chính phủ 

Cần thiết phải áp dụng chế tài nặng hơn ảnh 1Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng

Theo Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, thực tiễn xét xử cho thấy, hầu hết các vụ án tai nạn giao thông có nguyên nhân do sử dụng rượu, bia hậu quả thường rất nghiêm trọng, với số người chết và bị thương không chỉ dừng lại ở một, hai người. Trong khi đó, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay chưa thật tốt. Bằng chứng là không ít người sau khi vừa rời bàn nhậu vẫn thản nhiên điều khiển ô tô, xe máy. Vì thế việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nồng độ cồn cao trong cơ thể là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, vị thẩm phán của Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng, việc tịch thu phương tiện đối với người điều khiển khiển ô tô, xe máy có nồng độ cao rất khó có thể thực hiện được. Bởi, phương tiện mà người uống rượu, bia điều khiển không phải lúc nào cũng thuộc quyền sở hữu hoặc hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của họ. Hơn nữa, ô tô, xe máy là tài sản rất có giá trị đối với đại đa số gia đình người Việt Nam và đôi khi còn là phương tiện để kiếm sống, đi lại hàng ngày của cả một gia đình. Xét về hành vi khách quan thì ô tô, xe máy và những người liên quan đến loại tài sản này không hề có lỗi mà lỗi là ở người điều khiển nó. Mặt khác, đứng ở góc độ pháp lý, nếu áp dụng quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển có nồng độ cồn cao cần phải được thể chế cụ thể trong những văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao và phải phù hợp với các văn bản luật liên quan. 

Từ các phân tích của mình, Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng cho rằng trong khi chưa thể áp dụng chế tài tịch thu phương tiện giao thông đối với người điều khiển sử dụng rượu, bia quá mức quy định cho phép thì cần thiết và hoàn toàn có thể áp dụng những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn các chế tài hiện nay để tăng tính răn đe, giáo dục nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Cụ thể, ngoài tăng mức phạt tiền cần áp dụng thêm một số hình phạt bổ sung như: buộc người điều khiển lập tức rời khỏi phương tiện; cấm lái xe trong một thời gian nhất định; tạm giữ phương tiện; buộc phải học và thi lại Luật Giao thông đường bộ… Điều quan trọng nhất vẫn là việc thực thi pháp luật phải thực sự nghiêm minh, kịp thời, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục sâu rộng.