Cần thiết nhưng chưa đủ

ANTĐ - “Chống suy giảm nhưng không được làm tăng lạm phát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi đề cập tới “gói hỗ trợ” 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn chồng chất của doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thực hiện các giải pháp chống suy giảm kinh tế, nhưng đồng thời phải đảm bảo mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5% để đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 8-9%.

Tại cuộc hội thảo “Kinh tế bong bóng: Một số bài học của Nhật Bản”, vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, Việt Nam cần hiện đại hóa tín dụng và loại trừ “bong bóng” bao gồm: nợ xấu, giá tài sản tăng cao, tín dụng ngân hàng “phình to”, số doanh nghiệp phá sản tăng cao… dẫn đến vỡ “bong bóng”. Cố vấn cao cấp của Tổ chức JICA nhấn mạnh, để ngăn chặn “bong bóng” nổ vỡ, phải ưu tiên lựa chọn một số lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản những năm 1990-2000, để tăng trưởng kinh tế không nên và không cần làm suy yếu đồng nội tệ. Đây là bài học phải “thuộc lòng”, bởi không phải cứ bơm tiền nhiều vào nền kinh tế là được. Ba phương án mà các chuyên gia Nhật Bản đưa ra là, Việt Nam cố gắng dùng nguồn lực của Nhà nước và của các ngân hàng để tránh sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Song cũng không loại trừ giải thể một số ngân hàng yếu kém, đồng thời phải đảm bảo để người dân không bị thiệt hại.

Trong ngày làm việc cuối cùng phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng, Chính phủ đã có chủ trương thực hiện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có miễn giảm, giãn thuế. Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, xem lại những quy định nào liên quan đến luật về thuế, trong đó có quy định về miễn thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình để xem xét tại kỳ họp thứ 3 cuối tháng 5 này. Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội làm việc với Chính phủ để có báo cáo về gói hỗ trợ để ủy ban này có thể thẩm tra sớm và ra nghị quyết riêng về vấn đề này.

Sở dĩ Quốc hội nhắc nhở như vậy vì năm 2009, khi Chính phủ quyết định “tung” ra gói kích cầu 17.000 tỷ đồng nhưng chưa hỏi ý kiến của Quốc hội. Mặc dù lúc đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư có giải trình rằng, tình hình đột xuất nên Chính phủ phải chủ động đưa ra giải pháp đột xuất để kích cầu, “giải cứu” doanh nghiệp kịp thời. Lần này, đã có tới 3 cuộc họp ở cấp Chính phủ để bàn về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ Tài chính đã công bố gói hỗ trợ này. Một trong những phần “nặng cân” nhất trong gói hỗ trợ này là giãn, giảm, miễn thuế, là giải pháp không có gì mới đã được liên tục thực hiện từ năm 2009 đến nay. Số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng lẽ ra phải nộp thuế thì nhờ chính sách hỗ trợ này, doanh nghiệp được để lại tái cơ cấu, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói hỗ trợ này chỉ có tác dụng với những doanh nghiệp có lợi nhuận, còn hàng nghìn doanh nghiệp đang “ngoắc ngoải” thì hầu như chẳng được hưởng lợi gì. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng chỉ được giãn trong 6 tháng chứ không được miễn. Một chuyên gia kinh tế cấp cao cũng đồng tình cho rằng, giãn, giảm, hoãn thu một số loại thuế chỉ như “muối bỏ bể”, bởi suốt một thời gian dài doanh nghiệp hầu như không hoạt động, thua lỗ kéo dài nên chính sách thuế cũng không có tác dụng gì mấy.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, gói hỗ trợ là kịp thời và cần thiết nhưng chưa đủ. Giải pháp “cấp tốc” chỉ mang tính hỗ trợ tạm thời, ngắn hạn, chia sẻ trước mắt. Ở đây cần một gói hỗ trợ tổng hợp gồm: Giảm mạnh lãi suất cho vay, giảm phí, điều chỉnh giá đầu vào. Cần có tầm nhìn chung và dài hạn hơn.