Cận thị giả vì học quá nhiều

ANTĐ -  Hỏi: Trước đây mắt con tôi hoàn toàn bình thường, nhưng sau kỳ ôn thi căng thẳng, con tôi thường kêu bị mỏi mắt, lóa mắt, nhìn xa kém phải nheo mắt mới thấy rõ. Xin hỏi bác sĩ có phải con tôi bị cận thị?

Trả lời: Tình trạng như con bạn khá phổ biến đối với các em học sinh sau thời gian phải tập trung học hành quá nhiều. Biểu hiện là trước đó mắt hoàn toàn bình thường nhưng sau các kỳ học căng thẳng, chơi game, ngồi máy tính, đọc sách… quá nhiều dẫn đến các biểu hiện mắt mỏi, nhức mắt, nhìn xa kém, hay chảy nước mắt... Đây là hiện tượng rối loạn sự điều tiết, hay còn gọi là giả cận thị. Nguyên nhân là do mắt phải làm việc trong thời gian dài, nhìn gần quá lâu, không được nghỉ ngơi hợp lý. 

Đối tượng chủ yếu của giả cận thị là lứa tuổi học sinh, sinh viên, dân văn phòng. Ngoài ra, cận thị giả còn gặp trong một số trường hợp như dùng thuốc (atropine) quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi… Triệu chứng cận thị giả cũng giống như cận thị thật, chỉ khác là sau một thời gian mắt nghỉ ngơi thì sẽ trở lại bình thường.

Tuy nhiên điều nguy hiểm là các bậc phụ huynh thường đưa con đi khám tại các cửa hàng cắt kính, không phải cửa hàng nào cũng có thể phân biệt giữa cận thị giả và cận thị thật do nhân viên không đủ chuyên môn hoặc không làm đúng quy trình, hoặc do muốn “ép” khách hàng mua kính. Việc đeo kính cận trong khi chỉ bị cận thị giả khiến mắt lười điều tiết và phụ thuộc vào kính dẫn đến tật cố hữu. Hậu quả là thị lực không tăng, gây nhức mắt, mỏi mắt, dần dần mất thị giác 2 mắt, dẫn đến bị cận thị nặng, bong võng mạc, thậm chí sẽ bị mù. Do vậy khi có dấu hiệu bị cận thị, các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám tại những cơ sở uy tín.

Để bảo vệ mắt, bạn nên giúp con có chế độ nghỉ ngơi hợp lý trong quá trình học tập sau mỗi 45-60 phút bằng cách nhìn ra xa hoặc đi lại trong 3-5 phút. Đảm bảo độ ẩm cho mắt bằng cách chớp mắt thường xuyên, có thể nhỏ một số dung dịch giúp giảm khô và mỏi mắt. Ngoài ra, nên chăm sóc đôi mắt từ bên trong với một chế độ ăn giàu chất bổ mắt, quan trọng nhất là vitamin A (có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan động vật, bí đỏ, gấc, cà rốt…), vitamin C, vitamin E, selen, kẽm, vitamin B2…

BS Nguyễn Thu Hiền (Phòng khám đa khoa MH)