Cần thêm thời gian để người bệnh bớt "sợ" khi vào bệnh viện

ANTD.VN - Mới đây, câu chuyện một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương ngồi gác chân lên ghế khi đối đáp với người nhà bệnh nhân đã gây xôn xao trong dư luận. 

Hình ảnh bác sĩ gác chân lên ghế khi giải thích bệnh cho người nhà bệnh nhân gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau

Dù ở góc độ nào đó chúng ta nên chia sẻ hơn với bác sĩ, song nó cũng cho thấy tác phong, thái độ và sự tôn trọng của nhân viên y tế với người bệnh vẫn còn nhiều tồn tại.

Hàng chục nghìn cuộc gọi tới đường dây nóng 

Nhắc lại vụ việc vừa tạo “sóng” dư luận kể trên, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế phân tích, khi làm việc trong các bệnh viện đông bệnh nhân, y bác sĩ luôn phải chịu sức ép rất lớn nên dù đã có nhiều thay đổi song đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

“Đôi lúc, nhân viên y tế có thể có những cử chỉ, biểu hiện thiếu kiểm soát. Trước sức ép công việc, sự bức xúc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi hỏi các nhân viên y tế cần thấu hiểu và chia sẻ với tâm trạng của người bệnh, đồng thời cố gắng kiểm soát các hành vi và lời nói, tránh gây ra những xung đột không đáng có” - ông Nguyễn Đình Anh nói. 

 “Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.

Trong thực tế, những năm gần đây, trung bình mỗi năm đường dây nóng ngành y tế tiếp nhận được hàng chục nghìn cuộc gọi phản ánh về các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất của bệnh viện, quy trình chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hay các thắc mắc liên quan đến viện phí, chuyển tuyến điều trị...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa cho biết, rõ ràng vẫn còn nhiều sự bức xúc, chưa hài lòng của người bệnh. “Các phản ánh này đều được tiếp nhận và xử lý theo các cấp độ. Sau khi xác minh nội dung người dân phản ánh cho thấy có những vấn đề người dân chưa thực sự hiểu và thông cảm với nhân viên y tế. Còn với những nhân viên y tế thực sự có vi phạm đều được xử lý nghiêm” - ông Khoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay, một số bệnh viện đã nâng vấn đề giao tiếp ứng xử thành mức độ công nghệ trong giao tiếp, đưa người bệnh dần trở thành một “khách hàng” đúng nghĩa. Tuy vậy, sự thay đổi này cần phải có thời gian.

Chấm điểm bệnh viện

Từ thực tiễn làm công tác quản lý bệnh viện và trực tiếp khám chữa bệnh, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, quá tải bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu làm nảy sinh những bức xúc của người bệnh, nhất là ở các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa.

“Thực tế các bệnh viện tuyến Trung ương những năm gần đây đã đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng vẫn còn tình trạng dồn ứ, quá tải” - ông Đồng Văn Hệ phân tích. Do đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, ông rất thấu hiểu với những áp lực mà các y bác sĩ phải chịu đựng và mong muốn dư luận có cái nhìn công bằng hơn với nghề y. 

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như: đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số bệnh viện; xây dựng chương trình hành động quốc gia về nâng cao chất lượng quản lý khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng từ cấp Bộ đến các cơ sở… Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng làm căn cứ cho việc đo lường về cải tiến chất lượng cũng như đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ…

Ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ “chấm điểm” bệnh viện thông qua những tiêu chí, chỉ số cụ thể kể trên. Bên cạnh đó, người bệnh cũng hoàn toàn có thể tham gia “chấm điểm” bệnh viện bằng nhiều kênh khác nhau như: thông qua hộp thư góp ý của bệnh viện, thông qua đường dây nóng, trả lời bảng khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh, góp ý trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận ý kiến người dân của bệnh viện… để cùng giám sát và đóng góp nâng cao chất lượng bệnh viện. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho rằng, việc khám chữa bệnh đòi hỏi sự phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. “Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.