Cần thành lập Ủy ban liên bộ xử lý nợ xấu

ANTĐ - Sau một ngày, dư âm của phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vẫn được các ĐBQH quan tâm. Chiều 14-11, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn TP.HCM) tiếp tục có cuộc trao đổi với báo chí về 2 vấn đề nóng của nền kinh tế: vàng và nợ xấu.

- PV: Có ý kiến cho rằng, người dân mua vàng về cất trữ, cũng giống như một cái hầm trú ẩn an toàn nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn, ông có nhận xét gì về hình ảnh này?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng như thế. Tại sao dân mua vàng vào nhiều như vậy, đó là do chúng ta chưa tạo ra một nền kinh tế vĩ mô ổn định, giúp dân an tâm để mạnh dạn bán vàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Tôi nghe Thống đốc NHNN báo cáo rằng, vàng trong dân có vài trăm tấn, đây là lượng tài sản vô cùng giá trị. Còn nhớ trên thế giới, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, Malaysia đã tận dụng được vàng trong dân, huy động được nguồn vốn này để vượt qua cơn khủng hoảng mà không cần vay ai, làm được như vậy mới là nghệ thuật điều hành. Đồng ý Chính phủ thống nhất quản lý, chống vàng hóa, cấm dùng vàng là phương tiện thanh toán, nhưng phải bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của dân về vàng, tạo điều kiện cho người dân mua và bán vàng; tổ chức quản lý mạng lưới mua bán một cách minh bạch, rộng rãi và thuận lợi cho dân. 

- Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp điều hành, quản lý vàng của NHNN trong thời gian qua?

- Xử lý vàng cần có giải pháp và phải hết sức bình tĩnh. Việc xử lý của NHNN đã đạt được một số điểm nhất định, nhưng còn hơi “nóng”, trong khi cần độ “trễ”. Ví dụ cần tuyên truyền cho người dân, tạo lập mạng lưới đủ rộng để người dân có thể đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC, hoặc chuẩn bị thương hiệu vàng quốc gia thay vì lấy một thương hiệu có sẵn… Xử lý vàng trong bối cảnh hiện nay phải đạt nhiều mục tiêu, Thống đốc NHNN mới lo mục tiêu tỷ giá, còn mục tiêu liên thông để giá vàng trong nước không chênh lệch so với giá vàng thế giới chưa đạt được.

Giải quyết nợ xấu là điều kiện quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế (ảnh minh họa)

- Để xử lý điểm “nghẽn” thứ hai hiện nay của nền kinh tế là nợ xấu, theo ông cần những giải pháp gì?

- Hiện nay tình hình ngân sách đang eo hẹp, nhưng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông rất cần, tiền lấy đâu ra? Có thể nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành 20 năm nay, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định, trong đó tiền thu từ việc bán doanh nghiệp Nhà nước giải thể, tiền thu về cổ tức vốn cổ phần của nhà nước… được tổng cộng khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Tiền này không thu về ngân sách nhà nước, mà để lại ở các quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp và được chi theo các quyết định của Chính phủ. Trong đó có chi cho lao động dôi dư do bị ảnh hưởng trong quá trình cổ phần hóa (2%); số còn lại để chi bổ sung vốn điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng vẫn chưa sử dụng hết, còn lại khoảng 27 nghìn tỷ đồng tồn quỹ (gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu), như vậy thời gian qua, việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả chưa cao.

Tôi muốn đặt câu hỏi sử dụng nguồn này thế nào cho hiệu quả như nhu cầu chi cho đầu tư phát triển nêu trên? Điểm nghẽn là vàng và nợ xấu, rõ ràng nếu không giải quyết nợ xấu, không thể tái cấu trúc kinh tế, không thể tăng trưởng tín dụng, dẫn tới doanh nghiệp phá sản. Phải ưu tiên xử lý nợ xấu, vấn đề này liên quan đến nhiều ngành và nhiều địa phương, vì thế cần thành lập Ủy ban liên bộ xử lý nợ xấu. Người dân không yêu cầu phải giải quyết nợ xấu ngay lập tức, nhưng người dân cần biết phương án xử lý có khả thi, minh bạch không. Như thế Quốc hội phải tăng cường giám sát xử lý nợ xấu, và phải giám sát trước, trong và cả sau quá trình xử lý.

- Xin cám ơn ông!