Cẩn thận khi “bắt sóng” cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cổ phiếu ngân hàng đã tăng trong suốt một thời gian dài, đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán nhờ kết quả kinh doanh tích cực và hàng loạt thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến lúc phải cẩn trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi những triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.

“Sức nóng” đến từ đâu?

Sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư mới đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa trong suốt thời gian dài kể từ nửa cuối năm 2020 đến nay, bất chấp khối ngoại liên tục bán ròng kỷ lục. Khoảng 3 tháng trở lại đây, khi VN-Index “công phá” mốc 1.200 điểm thì thị trường có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên VN-Index vẫn giằng co ở ngưỡng cao 1.240 – 1.280 điểm và chính thức vượt 1.280 điểm trong phiên cuối tuần trước, trong đó VN30-Index chính thức vượt 1.400 điểm.

Đáng nói, thị trường đang có sự phân hóa cực mạnh, dòng tiền chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu “nóng” như ngân hàng, chứng khoán thép,... trong khi các nhóm ngành còn lại hầu như đều giảm.

Có những phiên, chỉ số tăng mạnh nhưng số mã giảm lại áp đảo mã tăng, trong đó nhóm ngân hàng là động lực chính dẫn dắt thị trường đi lên.

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có vốn hóa lớn nhất, chiếm khoảng 30% vốn hóa toàn thị trường.

Đặc biệt trong những phiên gần đây, sau mùa đại hội cổ đông, với kết quả kinh doanh tích cực trong quý I, cổ phiếu ngân hàng đã thực sự “bùng nổ”, thu hút mạnh mẽ dòng tiền.

Nhiều cổ phiếu như VPB, VIB, TPB, HDB, LPB, STB, ACB, MSB, OCB... trở thành tâm điểu chú ý của thị trường. Một số ngân hàng lớn gần đây thanh khoản giao dịch đạt trung bình tới 15-20 triệu đơn vị mỗi phiên - dẫn đầu thị trường.

Một số ngân hàng như VPB, VIB đã có mức tăng trưởng rất cao, lần lượt là 97% và 90% về thị giá. Các cổ phiếu khác như LPB, TCB, STB đạt mức tăng trưởng trên 50%, giá các cổ phiếu còn lại cũng tăng từ 20-40%. Ngay cả những ngân hàng có kết quả kinh doanh không có gì đột biến, nhưng do nằm trong xu hướng chung của thị trường nên giá cổ phiếu vẫn tăng.

Cổ phiếu ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh suốt thời gian dài

Cổ phiếu ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh suốt thời gian dài

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của đại bộ phận doanh nghiệp sa sút do dịch Covid-19 thì kết quả tích cực của các ngân hàng chính là điểm sáng thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, với các nhà đầu tư F0 thì cổ phiếu ngân hàng được cho là lựa chọn an toàn nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng với nhóm cổ phiếu này, bởi sau thời gian dài tăng thì những thông tin tích cực của các ngân hàng gần như đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu, dòng tiền có nguy cơ phân tán, thậm chí đảo ngược bất cứ lúc nào.

Cẩn thận bỏng tay

Theo báo cáo mới công bố của Trung tâm Phân tích – Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), câu chuyện tăng vốn cũng có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021.

Năm nay, đã có khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng số vốn lên tới 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước). Bao gồm: 61.800 tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 2.600 tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

Đặc biệt, hiện nay, sự tăng trưởng của nhóm nhà đầu tư F0 trên thị trường đang rất rõ ràng, vậy nên sự phổ dụng và lan toả của nhóm ngân hàng chính là một lợi điểm cho nhóm này.

Tuy nhiên, SSI Research cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi các triển vọng tích cực đã gần như phản ánh hết vào giá cổ phiếu ngân hàng.

Mặc dù vậy, SSI Research cho biết vẫn nhìn thấy cơ hội ở một số cổ phiếu do vẫn còn tác động tích cực từ việc tăng vốn và lợi nhuận hồi phục sau khi xử lý hết nợ xấu.

Cũng cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng nóng thời gian dài, chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng cho rằng thời điểm này nhà đầu tư nếu đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thì nên cân nhắc thời điểm “chốt lời” an toàn.

“Hiện nay khi cổ phiếu ngân hàng đang tăng nóng thì tâm lý của nhiều nhà đầu tư là sợ mình bị “lỡ chuyến tàu”, sợ mình là người cuối cùng. Vì vậy ai cũng đổ xô vào mua, nhưng việc đầu tư theo tâm lý đám đông vào những dòng cổ phiếu đã tăng nóng thời gian dài có thể khiến nhà đầu tư chịu rủi ro khi thị trường điều chỉnh” - vị chuyên gia khuyến nghị.