Cẩn thận kẻo mắc bẫy

(ANTĐ) - Kỳ thi ĐH-CĐ đợt 2 chỉ còn tính theo ngày, lượng thí sinh đổ về Hà Nội ngày một đông, cơ hội “chặt chém” dịch vụ nhà trọ, ăn uống lại đến mùa.

Đáng nói, trong số các nhà trọ đó, lại có không ít nhà trọ nằm trong danh sách nhà trọ giá rẻ của Thành đoàn.

Thí sinh được ở miễn phí trong căn phòng sạch sẽ của chị Hương 
 Thí sinh được ở miễn phí trong căn phòng sạch sẽ của chị Hương
 

Nhà trọ giá rẻ “lật kèo”

Phải ghi nhận sự nhiệt tình, lòng tận tâm với công việc của các tình nguyện viên thuộc Đội Thắp lửa trái tim - LHO, không kể thời gian, mưa nắng, đã đến từng ngóc ngách để tìm những địa chỉ nhà trọ giá rẻ, miễn phí giúp đỡ các thí sinh về Thủ đô ứng thi. Trong khi, có những người dân Thủ đô sẵn lòng mở rộng cửa để đón tiếp các thí sinh, thì nhiều chủ nhà trọ tranh thủ “chặt chém”, hoặc giả địa chỉ nhà trọ giá rẻ để lôi kéo thí sinh.

Lần tìm theo một số địa chỉ trên website cung cấp nhà trọ giá rẻ cho thí sinh của LHO, nhiều chủ nhà trọ có trong danh sách đã “lật kèo”. Ví dụ, địa điểm ngõ 6, Phương Mai - nơi có tới 6/21 nhà trọ miễn phí ở khu vực Đống Đa, nhưng khi hỏi thì chủ nhà trọ một mực khẳng định, mình không đăng ký cho thuê nhà trọ giá rẻ. Hay địa chỉ ở  số 4/21, ngõ 6 Phương Mai đăng ký với 20 suất miễn phí.

Nhưng khi được hỏi có phải gia đình cho 20 thí sinh đến ở miễn phí thì cả gia đình “giật mình” phủ định: “Không hề đăng ký. Nhà chỉ có vài phòng để cho thuê thôi”. Oái ăm, không ít trường hợp, ngày đầu tiên giữ đúng cam kết cho thuê với giá rẻ, nhưng từ những ngày sau lại tăng giá lên gấp 2, 3 lần. Đó là trường hợp mà anh Trịnh Công Tam, quê ở Gia Viễn, Ninh Bình đưa con lên thi ĐH Xây dựng đợt 1 vừa qua gặp phải. Anh Tam cho biết: “Đến bến xe Giáp Bát, bố con tôi được SVTN hướng dẫn và trực tiếp đưa đến nhà trọ giá rẻ ở gần nơi cháu thi với giá 50.000 đồng/ngày/người. Ban đầu, tôi thấy rất yên tâm, và vui vì được SVTN giúp đỡ, lại còn tận tình đưa đến nơi. Nhưng, đến ngày thứ 2, chủ nhà trọ tăng giá nhà lên 100.000 đồng/người/ngày. Lúc đó, bố con tôi chỉ biết rút tiền trả chứ không thể bỏ đi tìm địa chỉ khác được”.

Trao đổi về điều này, anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Thành đoàn Hà Nội nhìn nhận, trong đợt thi lần 1 vừa qua, Thành đoàn cũng nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng trên. Khi SVTN đến liên hệ thì họ đồng ý, nhưng sau đó, họ không thực hiện như cam kết. “Mình không có gì để ràng buộc hay có thể bắt buộc được họ phải thực hiện. Tất cả chỉ dựa trên sự tự nguyện, vì vậy, khi họ “lật kèo” không thực hiện, Thành đoàn cũng không thể làm gì hơn”, anh Trung cho biết.

Chưa vui vì ít người đến ở miễn phí

Trong khi nhà nhà tranh thủ dịp để “chặt chém” thí sinh, thì vẫn còn đó, không ít người dân Thủ đô sẵn lòng mở cửa tiếp đón thí sinh và người nhà trong những dịp thi đại học. Thậm chí, họ còn chủ động gọi điện đến Thành đoàn để đăng ký. Trường hợp của chị Đoàn Thị Hương, số nhà 16/9, ngõ 371, Đê La  Thành là một ví dụ. Đợt thi ĐH vừa qua, chị Hương đã đón 6 thí sinh cùng 6 người nhà về ở. Chị cho biết: “Tôi vẫn chưa hài lòng, vì diện tích còn trống có thể ở được 15 thí sinh, chưa kể người nhà, nhưng đợt 1 vừa rồi chỉ có 6 người được giới thiệu đến đây. Diện tích thì bỏ trống, trong khi, nhiều người phải thuê với giá cao trong điều kiện sinh hoạt khó khăn”.

Bác Nguyễn Văn Nhuận, quê ở Thái Bình, niềm vui còn hiện rõ trên nét mặt, hồ hởi nói: “Lần đầu tiên đưa con về Thủ đô dự thi lại được ở trọ miễn phí. Thực lòng tôi không dám tin, ở quê, qua phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về nhà trọ chật chội, giá cao, tôi thấy lo. Nhưng nay thì không biết nói gì hơn là cảm ơn các cháu SVTN, cảm ơn gia đình chị Hương cùng mọi người. Dù con tôi có đỗ ĐH hay không, tôi cũng thấy vui”.

Theo đó, ngôi nhà chị Hương bố trí cho các thí sinh đến trọ thi miễn phí là ngôi nhà 3 tầng, khang trang, sạch sẽ, mà khi tìm đến, tôi thấy thật bất ngờ. Hơn 10 người đến trọ được ở trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi, yên tĩnh, điện nước đầy đủ. “Hai bố con đưa nhau đi thi chỉ có hơn 3 triệu đồng giắt lưng, những lo không đủ. Nhưng may mắn, được chị Hương cho trọ miễn phí, lại còn thường xuyên mua hoa quả, bánh trái về để mọi người liên hoan. Ân tình này thực khó quên”, bác Nhuận nói.