Cần tập trung thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ

ANTD.VN - Trong phiên họp ngày 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội. Cho ý kiến về sự điều hành của Chính phủ, nhiều đại biểu nhận xét, công tác chỉ đạo của Chính phủ đã có nhiều điểm mới, toàn diện, xử lý nhanh, quyết liệt đối với các vấn đề phức tạp nảy sinh. Song, bộ máy hành chính ở một số nơi còn cồng kềnh, hiệu quả đầu tư công còn thấp…

Cần tập trung thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ ảnh 1Theo đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái), người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống

Nhiều cán bộ kém về phẩm chất đạo đức 

Phát biểu thảo luận trước Quốc hội, ĐB Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và một số đồng chí lãnh đạo đã chỉ đạo giải quyết một số vụ việc “nóng”, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, khiến nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy, hiện bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, nhiều bộ phận không cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, chất lượng cán bộ còn nhiều hạn chế.

Theo ĐB Dương Văn Thống, thời gian tới cần thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ, trong đó có tinh giản biên chế. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống và nghiêm túc thực hiện kê khai tài sản theo quy định. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đặc biệt, chú trọng rèn về đức, cần - kiệm - liêm - chính, có thái độ tôn trọng và tinh thần phục vụ nhân dân. “Muốn làm được điều đó thì cấp trên phải thực hiện trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới” - ĐB Dương Văn Thống nói.

Còn theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội), có 3 vấn đề lớn liên quan đến nhân tố con người mà Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới. Đó là việc bố trí, sắp xếp, phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp ở một số nơi chưa phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Bên cạnh đó, không ít cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ so với công chức các nước trong khu vực, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra, hiện có nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, xung đột chồng chéo với các văn bản khác trong hệ thống, khó đi vào đời sống, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và sức sáng tạo của nhân dân.

Đầu tư cho giáo dục còn yếu

Cho ý kiến về vấn đề giáo dục, ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) phát biểu, về đổi mới giáo dục, hiện nay chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đầu tư cho giáo dục còn thiếu, yếu. Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Phúc, một vấn đề lớn hiện này là bạo lực học đường gia tăng. Môi trường văn hóa kém lành mạnh đang bủa vây học sinh. Trên mạng xã hội văn hóa phẩm bạo lực xuất hiện tràn lan. Thực tế, có những học sinh ở lớp rất ngoan nhưng ban đêm trong thế giới ảo lại bộc lộ hoàn toàn khác. Nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần có biện pháp thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ những trang mạng đưa thông tin không lành mạnh, bạo lực, đồi trụy, đồng thời xử lý nghiêm để răn đe cá nhân vi phạm.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, lĩnh vực giáo dục, y tế đã và đang phát sinh những vấn đề mới, có những vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm qua, song giải quyết thiếu căn cơ, hiệu quả không cao. Đó là tình trạng dạy thêm và học thêm, lạm thu trong các trường học, ngành giáo dục các địa phương đã có những giải pháp quyết liệt, song dường như càng chấn chỉnh thì lại càng phát sinh những mâu thuẫn mới. Bệnh thành tích trong giáo dục dường như ngày càng nghiêm trọng hơn.

Rà soát, đánh giá toàn diện các dự án tồn đọng

Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, một số dự án như giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ… trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc, cơ quan các cấp của Nhà nước đã chỉ đạo, tháo gỡ nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Hiện Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này về thực trạng, quá trình điều hành, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý, chủ đầu tư. 

Quốc Hoàn (Ghi)

Phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc huy động vốn đầu tư công là hết sức quan trọng và là vấn đề trọng tâm trong thời gian tới. Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây không phải là đề án mới mà là bước tiếp nối, cụ thể hóa của kế hoạch phát triển kinh tế, thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế 2013-2020 đã được Chính phủ phê duyệt. “Lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng; e ngại, không dám đối mặt để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Thuần Thư (Ghi)