Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách các cấp

ANTĐ - Ngày 16-4, tiếp tục chương trình hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phiên thảo luận được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách các cấp  ảnh 1Các đại biểu tham gia thảo luận Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có các quy định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND từ chính sách, cơ chế, đến tổ chức bộ máy, hoạt động và có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, phù hợp với đặc điểm đô thị và nông thôn, các đại biểu đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay.

Nêu điểm hạn chế nhất của Luật Tổ chức HĐND và UBND, đồng thời cũng là nguyên nhân làm cho hoạt động của HĐND gặp khó khăn và dẫn đến những yếu kém, hạn chế các hoạt động của HĐND là “Quy định điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND, thường trực HĐND”, ĐB Trần Minh Diệu (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị: “Không cần tăng biên chế, chỉ cần tách ra và giảm đi, nhưng phải đảm bảo tính độc lập và thuộc thường trực HĐND, do thường trực HĐND quản lý, điều hành và phân công nhiệm vụ. Mặt khác, cần có các chế định tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND”. 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, các đại biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cấp tỉnh và huyện. Từ quan điểm trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu HĐND cấp huyện, đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND. Bày tỏ đồng tình với phương án tăng đại biểu HĐND chuyên trách, ĐB Trần Xuân Hùng (ĐBQH tỉnh Hà Nam) nhận xét: “Thực tế, chưa có tổng kết vấn đề thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường. Do vậy, tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết và các trưởng, phó ban của HĐND là hoạt động chuyên trách.. 

Tại phiên thảo luận, ý kiến của đại diện Thường trực HĐND các địa phương cơ bản thống nhất phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND ở tất cả các đơn vị hành chính. “Quy định như thế phù hợp với Hiến pháp 2013 và chủ trương xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn ủy quyền thông qua, bầu ra cơ quan đại diện của mình ở tất cả các cấp chính quyền” - ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đánh giá và cho rằng thực tiễn công tác cho thấy Nghị quyết của Đảng, của cấp ủy địa phương khi được HĐND thể chế hóa thành Nghị quyết của nhân dân, sẽ có tính hợp pháp cao và có giá trị để toàn dân thực hiện. 

Nhiều ý kiến khác cho rằng quy định tổ chức HĐND và UBND ở tất cả các đơn vị hành chính không những đảm bảo được tính ổn định của bộ máy Nhà nước, mà còn không làm xáo trộn mô hình, tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.