Cần sớm tổ chức lại giao thông để tránh ‘nghịch cảnh’ ở khu vực Tố Hữu – Trung Văn

ANTD.VN - Với hai chiều đường khá hẹp, mật độ phương tiện và người tham gia giao thông lại đông, nên áp lực ùn tắc luôn đè nặng lên tuyến đường Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội. Đặc biệt tại một số ngã tư trên tuyến đường này như nút Tố Hữu – Trung Văn, để qua đường được nhanh, nhiều người đã… dắt bộ xe máy cả trăm mét.

Tràn lan dắt bộ xe máy trên hè

Tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương là một trong những trục huyết mạch từ quận Hà Đông vào trung tâm TP Hà Nội. Mật độ phương tiện và người tham gia giao thông trên tuyến đường này lớn, và thường gia tăng trong những tháng cuối năm. Đáng chú ý, ngoài làn trong cùng dành cho xe buýt BRT, ô tô thường xuyên đi hàng 2, hàng 3 khiến các phương tiện như xe máy, xe đạp bị “chèn ép” sát hè, nhất là vào giờ cao điểm.

Có rất đông người dân dắt bộ xe máy trên vỉa hè

Để không bị “chôn chân” vì ùn tắc, nhiều người điều khiển xe máy đã chọn giải pháp đi lên vỉa hè. Theo ghi nhận, tình trạng này xuất hiện phổ biến tại các nút giao thông Mỗ Lao – Tố Hữu, Tố Hữu – Trung Văn. Vào giờ cao điểm sáng và chiều, cùng lúc hàng chục người dân điều khiển xe máy trên vỉa hè, ngược chiều so với các phương tiện đang lưu thông dưới đường để sang đường Trung Văn. Trường hợp gặp lực lượng chức năng ứng trực, tất cả sẽ “ngoan ngoãn” dắt bộ.

Lý giải điều này, chị Vũ Thu Trà, trú ở phường Mộ Lao (Hà Nội) so sánh: “Ngay cả việc phải dắt bộ xe cả trăm mét, chúng tôi vẫn rút ngắn được thời gian di chuyển so với việc đi đúng làn đường quy định. Chưa kể nếu không gặp lực lượng CSGT, việc đi xe trên hè đỡ được rất nhiều thời gian và quãng đường”!

Để ngăn chặn tình trạng người dân điều khiển xe máy trên vỉa hè, Đội CSGT số 7, Phòng CSGT đã cử CBCS phân luồng, đảm bảo ATGT. Và phản ứng tức thì của người dân là khi ấy, tất cả đều xuống dắt bộ xe máy sang đường, lên vỉa hè. Tuy nhiên, sau khi đã đi qua được chốt của CSGT, họ lại ngồi lên xe máy phóng đi.

Trao đổi với PV, đại diện Đội CSGT số 7 cho biết: Những vi phạm về người điều khiển phương tiện như mô tô, xe máy đi trên vỉa hè đường Tố Hữu không phải bây giờ mới xảy ra. Từ nhiều tháng trước đó, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Do áp lực giao thông trong những ngày cuối năm nên tình trạng ùn tắc luôn xảy ra ở tuyến đường Tố Hữu vào giờ cao điểm. Chính vì vậy đã kéo theo vi phạm về xe máy đi trên vỉa hè ngày càng nhiều.

“Ngoài chốt cứng làm nhiệm vụ phân luồng, chúng tôi còn bố trí gần 10 CBCS dải khắp trục vỉa hè từ ngã ba Mỗ Lao – Tố Hữu tới gần nút giao thông Trung Văn – Tố Hữu để ngăn chặn tình trạng người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè.

“Khi thấy CSGT làm nhiệm vụ từ xa, người dân dắt xe máy lên vỉa hè nên CSGT rất khó có thể xử phạt. Chúng tôi chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, còn đối với trường hợp vi phạm điều khiển xe máy đi trên vỉa hè bị giữ quả tang, đều sẽ bị CSGT xử phạt nghiêm”- đại diện Đội CSGT số 7 thông tin.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc tăng cường bố trí CSGT làm nhiệm vụ, Đội CSGT số 7 đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tổ chức lại giao thông tại khu vực trên. “Cần có cầu vượt ở một số nút nhằm giảm tải phương tiện. Bên cạnh đó, nên bố trí hợp lý hơn việc các nút mở trên tuyến đường này để người tham gia giao thông chủ động trong việc chuyển làn”- đại diện Đội CSGT số 7 nêu xuất.

Cố tình dắt mô tô, xe gắn máy trên vỉa hè sẽ bị xử phạt

Nhìn nhận về hiện tượng trên, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Khoản 1, Điều 32 – Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Nói cách khác, trong  giao thông đô thị, hè phố hay vỉa hè là phần đường dành riêng cho người đi bộ lưu thông, các phương tiện giao thông khác không được phép đi trên hè phố.

Cơ quan chức năng có thể vận dụng các quy định pháp luật để xử lý trường hợp cố tình vi phạm

Tương tự, tại Điều 35 quy định về các hoạt động khác trên đường bộ. Theo đó, ngoài những hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ đã liệt kê ở khoản 2 thì tại điểm i của điều khoản này cũng xác định: “Hành vi khác gây cản trở giao thông”. Nghĩa là Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm mọi hành vi gây cản trở giao thông...

Như vậy, mặc dù Luật Giao thông đường bộ cũng như Nghị định 46/2016/NĐ-CP không trực tiếp quy định về hành vi dắt mô tô, xe máy trên vỉa hè nhưng lực lượng chức năng vẫn có thể xử phạt hành chính đối với các trường hợp không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đường bộ và cố tình dắt mô tô, xe gắn máy trên vỉa hè gây cản trở giao thông.

Tuy nhiên, để xử phạt những trường hợp cố tình dắt mô tô, xe gắn máy trên vỉa hè gây cản trở giao thông thì ngay trước đó, lực lượng chức năng hoặc người chỉ huy, điều khiển giao thông phải yêu cầu, nhắc nhở những người tham gia giao thông không được dắt mô tô, xe máy trên hè phố.

Căn cứ điểm m, khoản 4, Điều 6 – Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt, nếu có cơ sở xác định người dắt mô tô, xe gắn máy trên vỉa hè không tuân thủ, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.