Cần sớm gỡ vướng chính sách thuế với mặt hàng phân bón

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm năm sau chính sách đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế Giá trị gia tăng đã cho thấy tác dụng ngược, tức là không giúp giá phân bón trong nước giảm mà ngược lại người dân, doanh nghiệp lại phải chịu giá phân bón cao hơn.

Nhiều bất cập

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật 71), có hiệu lực từ năm 2015, quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra…

Quy định này nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu; đồng thời qua đó kỳ vọng giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn năm năm triển khai thực hiện, Luật 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Dù mặt hàng này không phải chịu thuế GTGT, nhưng nó không những không giúp giá bán phân bón trong nước giảm, mà còn làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước đã tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%...

Cùng với đó, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, song từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu khoảng hơn 4 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông… trị giá khoảng 1,33 tỷ USD.

Đơn cử như thời điểm tháng 1/2015, ngay sau khi Luật thuế 71 có hiệu lực thì sản lượng phân bón nhập khẩu tăng lên đột biến: urea nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng tồn kho của doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí cuối năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ, tồn kho phân đạm ure tăng 3 lần, tồn kho phân DAP tăng 23 lần…

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 930.000 tấn phân bón, nhưng lượng nhập khẩu là hơn 4 triệu tấn.

Vướng mắc về chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón cần sớm tháo gỡ

Vướng mắc về chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón cần sớm tháo gỡ

Điều này cho thấy, rõ ràng cả 2 kỳ vọng chính của việc miễn thuế GTGT với mặt hàng phân bón, là giảm giá thành và tăng sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu đều không đạt được.

Doanh nghiệp trong nước thiệt đơn thiệt kép

Theo các doanh nghiệp, sở dĩ quy định trên gây tác dụng ngược là do việc không chịu thuế GTGT khiến mặt hàng phân bón cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đối với nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất.

Riêng DPM và DCM là hai doanh nghiệp chiếm đến 70% thị phần phân bón cả nước thì trung bình mỗi năm, DCM không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; trong khi đó DPM từ năm 2015 đến nay không được khấu trừ 1.637 tỷ đồng.

Các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tính đến hết 2019 đã không được khấu trừ khoảng 3.646 tỷ đồng tiền thuế (năm 2015: 825 tỷ đồng, năm 2016: 588,8 tỷ đồng, năm 2017: 755,5 tỷ đồng, năm 2018: 767,7 tỷ đồng, năm 2019: 708,8 tỷ đồng).

Do không được khấu trừ thuế nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước buộc phải hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, vào giá thành sản phẩm, và cuối cùng người nông dân chính là người chịu thiệt cuối cùng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, phân bón nhập khẩu lại đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu 5% thuế GTGT. Hơn nữa, chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước còn quy định thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp.

Với những bất lợi như thế, phân bón Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng, không khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ. Thậm chí doanh nghiệp còn đối mặt nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, hoặc chuyển sang nhập khẩu phân bón thay vì sản xuất…

Cần sớm thay đổi chính sách thuế đối với phân bón

Trước những bất cập đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã nhiều lần kiến sửa đổi Luật số 71/2014/QH13.

Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa chương trình sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0 - 5% vào kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa 14.

Các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí cũng đã nhiều lần đề xuất đưa phân bón sản xuất trong nước vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0%, hoặc quay trở lại thuế suất 5% như trước.

Cuối tháng 5, Bộ Tài chính có Công văn số 6320 gửi Bộ Công thương, trong đó nêu rõ: “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo quy định, trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% để trình các cấp có thẩm quyền trong thời điểm thích hợp”.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính ngay trong tháng 8/2020 trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang gặp trăm ngàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt dịch Covid-19 đang khiến hàng loạt đơn hàng xuất khẩu bị hủy, nông sản gặp khó trong tiêu thụ, thì việc nghiên cứu và sửa đổi chính sách thuế với mặt hàng phân bón phù hợp là yêu cầu cấp thiết.