Bức xúc kéo dài
Như ANTĐ đã thông tin, năm 2023, UBND huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá nhiều thửa đất tại bãi Tân Bồi ven sông Hồng, thuộc xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, người dân lại không được giao đất.
Mặc dù người dân đã nhiều lần làm đơn đề nghị chính quyền địa phương bàn giao đất trúng đấu giá nhưng không được. Đến tháng 10-2023, UBND huyện bất ngờ bàn giao mặt bằng khu 1, 2, 3 cho Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Theo phản ánh của bạn đọc, tại bãi Tân Bồi ven sông Hồng, chính quyền địa phương đã chia thành các thửa đất để người dân đấu giá với mục đích sản xuất nông nghiệp (cụ thể là trồng cây hằng năm). Tuy nhiên, trong khi UBND xã Hồng Hà tổ chức giao đất trên thực địa, xuất hiện nhiều cá nhân cản trở, chống đối khiến việc bàn giao không thực hiện được, người trúng đấu giá cũng không dám nhận. Nguyên nhân là trên diện tích đất nêu trên còn một số lượng khá lớn cây chuối do người dân lấn chiếm trồng. Do đó, UBND xã Hồng Hà đã dừng việc giao đất và báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng.
Khu vực bãi Tân Bồi, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng |
Cho đến nay, hầu hết các khu đất vẫn đang bị chiếm và sử dụng trái phép. Đến ngày 30/9/2024, UBND huyện Đan Phượng hủy quyết định trúng đấu giá khu 1, 2, 3 bãi Tân Bồi đã ban hành mà không có lý do thuyết phục, khiến bức xúc của người dân đẩy lên đỉnh điểm.
Lý do chính quyền địa phương đưa ra là: thu hồi việc giao đất để bàn giao diện tích khu 1, 2, 3 cho Vinaconex khai thác để phục vụ Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Người dân cho rằng, việc chính quyền địa phương không giải quyết các khiếu nại của người dân liên quan đến bàn giao đất; thu hồi quyết định trúng đấu giá; bồi thường cho việc chậm bàn giao sau khi người trúng đấu giá và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Đã đối thoại, nhưng...
Ghi nhận những phản ánh của người dân, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên môi trường huyện Đan Phượng cùng UBND xã Hồng Hà tổ chức các buổi đối thoại, làm việc với những người trúng đấu giá các khu đất 1, 2, 3 ở bãi Tân Bồi.
Tại cuộc làm việc chiều ngày 26-11 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà khẳng định: “Tổng khu đất 1, 2, 3 là 40ha. Phần diện tích đất khu 1, 2, 3 bàn giao cho Vinaconex không hết toàn bộ diện tích đất đấu giá. Cụ thể, khu 1 còn khoảng 1,2ha; khu 2 còn khoảng 5,8ha, khu 3 còn khoảng 9,7ha”.
Chia sẻ quan điểm của UBND huyện về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết: UBND huyện đề nghị chỉ thu hồi phần diện tích khu đất thuộc Khu 1, 2 mà nằm trong quy hoạch của thành phố. Nếu các hộ dân đồng ý nhận lại phần diện tích không nằm trong ranh giới bàn giao mỏ cát cho Vinaconex thì UBND huyện điều chỉnh quyết định huỷ kết quả trúng đấu giá và bàn giao diện tích còn lại cho các hộ trúng đấu giá để sản xuất.
Tuy nhiên, phương án giải quyết này vấp phải sự phản đối của người dân. Là một trong số người trúng đấu giá đất ở bãi Tân Bồi, ông Nguyễn Khắc Tuyến cho rằng: “Tổng diện tích khu 1, 2 theo kết quả tôi trúng đấu giá là gần 20ha, phần còn lại cho thuê tiếp chỉ còn 7ha. Mà không có sự đền bù phần diện tích gần 13ha còn lại thật sự không thoả đáng so với diện tích trúng đấu giá ban đầu. Người dân thiệt đơn, thiệt kép”.
Không những vậy, các hộ dân trúng đấu giá ở bãi Tân Bồi còn cho rằng, quyết định hủy quyết định trúng đấu giá của UBND huyện Đan Phượng, và việc chậm bàn giao mặt bằng sạch trúng đấu giá đã vi phạm quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các nghị định, thông tư liên quan. Nay UBND huyện tiếp tục huỷ quyết định huỷ trúng đấu giá là việc làm nối tiếp cái sai ban đầu.
Đối với kiến nghị của người dân về việc đề nghị đổi phần diện tích bị thu hồi bàn giao cho Vinaconex sang thuê khu đất bãi khác để bù cho phần bị thiếu hụt, UBND huyện khẳng định điều này là không thể. “UBND huyện thực hiện bàn giao phần đất còn lại theo đúng kết quả trúng đấu giá. Nếu người dân có nhu cầu thuê thêm, có thể tham gia các phiên đấu giá khác”, ông Nguyễn Quý Mạnh cho hay.
Việc có phản hồi để giải đáp những khúc mắc của người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng tháo gỡ ra sao để đạt được được sự đồng thuận từ phía người dân đối với diện tích đã được đấu giá, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, là việc mà UBND huyện Đan Phượng cần sớm đưa ra phương án.