Cần sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để giảm khiếu nại tố cáo

ANTĐ - Trong ngày làm việc 7-11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đọc Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Đảm bảo sự công bằng trong đền bù đất đai là một trong những cách làm giảm khiếu nại tố cáo

Bất cập trong chính sách

Kết quả giám sát của Quốc hội thời gian qua đã chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến việc KNTC của người dân liên quan đến đất đai. Thứ nhất là sự bất cập, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai. Giá đất đền bù có những chênh lệch lớn giữa người được đền bù trước, người sau; giữa giá của Nhà nước với giá doanh nghiệp và giá thị trường. Đại biểu Thân Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cienco 5 phân tích: “Sự bồi thường 2 giá đất đối với công trình công ích và công thương gây bức xúc cho người dân. Trên một địa bàn, hiện trạng sử dụng đất giống nhau, nhưng nếu là dự án công ích thì chỉ được bồi thường theo giá Nhà nước, còn khi được quyết định là dự án thương mại thì bồi thường với giá đất theo giá thị trường. Trong nhiều trường hợp, hai loại giá này chênh lệch hàng chục lần khiến người dân đi khiếu kiện”. 

Thứ hai là việc ban hành các quyết định hành chính còn nhiều hạn chế, tồn tại. Thứ ba là do sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che cho các sai phạm. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy từ năm 2003 - 2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân; kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng. Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên thẳng thắn: “Số liệu này cho thấy số cán bộ làm sai, làm trái liên quan đến đất đai là khá nhiều”. ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị cần rà soát, đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này, để xem xét xử lý nghiêm minh. Ngoài ra còn do một bộ phận người dân hiểu biết còn hạn chế, ý thức chấp hành chính sách pháp luật về đất đai và khiếu nại tố cáo chưa cao. Ở đây có liên quan tới việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.

Tránh tình trạng văn bản chồng chéo

Giải pháp chính giúp giảm tình trạng KNTC được nhiều ĐBQH kiến nghị là phải sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị: “Những vấn đề cụ thể đề nghị nên quy định rõ ngay trong luật để hạn chế sự quá tải của các văn bản dưới luật. Rà soát các văn bản và điều chỉnh những nội dung hướng dẫn chồng chéo giữa các văn bản để tạo ra một khung pháp lý thống nhất trong giải quyết các vấn đề”. Đồng quan điểm, ĐB Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Khánh Hòa) nêu ý kiến: “Luật Đất đai lần này cần có những quy định theo hướng cụ thể, và rất chi tiết để khi luật ban hành có thể thực hiện được ngay”. ĐB Đặng Đình Luyến cũng đề nghị không nên quy định vấn đề KNTC khởi kiện vào trong Luật Đất đai mà áp dụng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành theo luật này nhằm bảo đảm sự thống nhất trong Luật Đất đai sửa đổi. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: 3 nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai có nhiều thay đổi (có khoảng 20 luật liên quan), do đó gây khó khăn trong quá trình quản lý và sử dụng; Thứ hai, việc tổ chức thực hiện có vấn đề, nhất là khâu thu hồi đất; Thứ ba,  một bộ phận người sử dụng đất hiểu biết pháp luật hạn chế, dẫn đến bị lợi dụng. Trong đó, nguyên nhân thứ hai là quan trọng nhất, nếu giải quyết được thì sẽ bớt tình trạng khiếu nại tố cáo. 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Người dân có thể khởi kiện ra tòa 

Theo Luật Đất đai trước đây có 2 điều (136 và 138) liên quan đến giải quyết tranh chấp và khiếu nại về đất đai. Theo Điều 136, trường hợp tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 (Điều 50) hoặc tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân thụ lý, nếu không có điều kiện này thì chuyển sang chính quyền giải quyết. Khi xảy ra tranh chấp, người dân có quyền lựa chọn 2 con đường: khiếu kiện hành chính hoặc khởi kiện vụ án.  

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Khiếu nại về đất đai chiếm 80%

Từ tháng 6 đến 10-2012, Thanh tra Chính phủ đã cùng các bộ, ngành thành lập 28 tổ công tác, kiểm tra các tỉnh, thành phố tồn đọng các vụ việc kéo dài. Phát hiện trong tổng số 528 vụ việc tồn đọng kéo dài thì khiếu nại đất đai có tới 422 vụ việc (chiếm 79,9%). Trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện thu hồi đất là 217 vụ việc, tranh chấp đất đai 115 vụ việc, thậm chí có những vụ việc kéo dài trên 30 năm. Các vụ việc này đã qua nhiều cấp nhiều ngành, và hầu hết đều có 3-4 quyết định hành chính. Muốn chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp cần phải bố trí họp liên ngành giữa các cơ quan có thẩm quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, mời thêm đoàn ĐBQH ở địa phương tham gia để tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị.