Quảng Ngãi:

Cần rà soát, điều chỉnh các quy định về hộ gia đình

ANTĐ - Khác với Bộ luật Dân sự 2005, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời bổ sung một số quy định về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình...

Điều 106 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định này chỉ phù hợp khi đặt hộ gia đình trong trạng thái “tĩnh”.  Song, do cuộc sống gia đình và các quan hệ trong gia đình luôn thay đổi không ngừng về chủ thể dẫn tới các quy định về hộ gia đình, đặc biệt về chủ thể là thiếu rõ ràng, không mang tính khả thi. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2005 cũng chưa có quy định cụ thể về phân tách giữa tài sản của các thành viên với tài sản chung của hộ gia đình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các quyền sở hữu của các cá nhân liên quan.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan công chứng, tòa án (trong trường hợp phải xác định thế nào là hộ gia đình, thành viên gồm những ai), Dự thảo đã không chính thức ghi nhận hộ gia đình là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự. Ngoài ra, điều 237 Dự thảo còn quy định: “Tài sản của hộ gia đình thuộc sở hữu chung theo phần của các thành viên hộ gia đình. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của hộ gia đình được thực hiện theo thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan...”. Quy định này ghi nhận sở hữu chung của hộ gia đình là sở hữu chung theo phần của các thành viên đã tạo ra cơ chế phù hợp khi xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình. 

Tuy vậy, bên cạnh những điểm thuận lợi cơ bản, việc không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự sẽ làm phát sinh một số mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định về hộ gia đình và trên thực tế vẫn có không ít quan hệ pháp luật do hộ gia đình thực hiện đang được pháp luật thừa nhận và bảo vệ... Do đó, để khắc phục tình trạng này, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, sự ổn định của các giao dịch dân sự, Nhà nước cần sớm có lộ trình khoa học và hợp lý để từng bước thực hiện.

“Trước mắt, cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện các điểm còn bất cập của quy định về hộ gia đình tại Bộ luật Dân sự 2005 và nên giới hạn các giao dịch của hộ gia đình liên quan đến tài sản chung là quyền sử dụng đất. Còn về lâu dài, việc không coi đây là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như trong Dự thảo là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống” - luật sư Nguyễn Thành Chung bày tỏ quan điểm.